Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Hình vui

Cù lần dùng vài hình vui trong matcuoi.com để "thư rãn" cuối tuần, nhưng không biết sao tải lên chậm quá, nên đành cho xuống.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

hắn thành ... thầy

Sinh vào khoảng sau 75, hắn tự nhiên lớn vì cha mẹ quá bận rộn lo cho cái bỏ vào mồm của bầy con năm sáu đứa, không có thì giờ nghĩ đến chuyện dạy dỗ con cái. Học hành làng nhàng, tự nhiên lên hết lớp này đến lớp nọ, vì thầy cô hắn đâu có dám cho học sinh nào ở lại lớp đâu. Mà nếu có bị thi lại môn nào cuối năm, hắn cũng có cách để mánh mum, từ nhờ bạn cho copy bài, không cho thì hắn dọa đánh, đến thủ tài liệu tủ; ngoài ra hắn còn biết cách nhờ người lớn chăm sóc thầy cô. Vì vậy cái sự học hành của hắn hanh thông từ lớp 1 cho đến 12. Năm thi tốt nghiệp phổ thông, hắn ra đủ chiêu, nhưng rồi cuối cùng quá xui xẻo hắn bị điểm liệt môn địa, do chép lạc đề! Nhưng vốn hắn có quý nhân phò trợ, ông hiệu trưởng nhà trường làm chủ tịch hội đồng chấm phúc khảo, không biết hắn có cho ông ăn bùa gì không, mà hắn được vớt.

Năm đó ai không bị câm điếc hay đui mù, nếu nộp đơn thi vào cao đẳng sư phạm đều được đậu. Ma xui quỷ khiến thế nào, hắn lại được vào học khoa toán! Ra trường là chuyện bắt buộc, hắn về nơi hắn lớn lên... làm thầy.
Hắn dạy toán, học trò sợ hắn đến... tè trong quần. Hắn chửi học trò như chửi đầy tớ, hết đồ ngu đến đồ dốt, có nhiều khi hắn đi nhậu về, chưa kịp rửa mặt đã lên lóp, hắn cho học sinh làm bài tập, rồi úp mặt xuống bàn đánh một giấc say sưa. Dường như hiệu trưởng bị hắn bỏ bùa nên bao giờ cũng lơ...Có một tối, hắn đi nhậu về khuya, bị học sinh đánh hội đồng, hắn lầm bầm, đánh tao cũng như đánh cha mày! Sáng mai lên lớp mặt sưng tím, nhưng hắn vẫn tỉnh bơ...
Rồi hắn đi học tại chức đại học. Mang về một đống sách, chữ ngang chữ dọc.Hắn chẳng bao giờ rớ tới, mà dẫu có đọc hắn cũng chẳng hiểu gì, hắn chẳng lo...có bùa mà! Đến thời hạn nộp bài kiểm tra, hắn bắt đầu đi nhờ, miệng ngọt như mía lau, thầy giúp em, ở xứ này chỉ có mình thầy...Rồi hắn chép ngược chép xuôi, trúng trật có trời biết. Học hai năm từ xa như vậy, hắn và một số "đồng cảnh ngộ" chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học toán! Chúng bàn nhau chung chi, từ việc lo cho quý thầy đại học, từ xa vào coi thi chỗ ăn chỗ ở chỗ chơi, vé may bay khứ hồi, đến lo cho các "phao" sở tại. Chúng rất giỏi tính toán (đại học toán mà lị), mọi việc hoàn mãn. Hắn ôm cái bằng đại học về chưng trong phòng khách. Hắn tính chuyện chạy lên dạy cấp ba. Ông hiệu trưởng, thầy củ của hắn, đã ăn phải bùa nên lo cho hắn mọi sự tốt đẹp. Thế là hắn thành... thầy.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Độc ẩm

Đào chơi vài chữ Rượu trào - chừ không bạn! Trời sáng - đêm về đâu ? Chờ nơi bay - trống trải ! Chén không! Biết hương trà Miên Biết bay về nơi đâu Hương trà không có bạn ? Đêm không chờ trời sáng! Trống trải chén rượu trào... Dã Quỳ Vàng Nửa đêm - chờ trời sáng.
Chén rượu trào - không bạn.
Hương trà - về nơi đâu ?
hoasen Tấm lòng chút hương trà Xác thân là trà bã Hương dâng hết cho đời Bã về chơi gạch đá. ngpvinhba

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Thánh tướng...bờm ơi

Vào khoảng đâu đó trước năm 2002, cù lần tui được đi dự hội nghị tập huấn về cách sử dụng các phần mềm trong trường học. Cái tên của hội nghị tôi không còn nhớ rõ, nhưng nghe rất kêu... Khai mạc hội nghị là một bài diễn văn của giám đốc sở, tôi nghe và phục lăn vị lãnh đạo của mình, sao ngài giỏi đến thế: vừa làm biết bao công việc của lảnh đạo, lại có thì giờ để nghiên cứu, nghiền ngẫm các phần mềm hiện đại, chắc ngài phải mướn thầy giáo kèm riêng! Ngài đề cập đến mọi vấn đề từ vĩ mô đến vi mô, từ chiến lược toàn cầu về thông tin hóa, đến việc nên cấu tạo cái bàn phím ra sao cho phù hợp với việc gõ tiếng Viêt... vân vân và vân vân. Tôi có nghe tin đồn loáng thoáng là vị giám đốc này tốt nghiệp phổ thông bổ túc văn hóa, từng công tác ở ngành mầm non. Tin đồn này nhất định là tin đồn thất thiệt, nhằm hạ uy tín lảnh đạo. Ngài thông thái đến thế kia mà. Giờ giải lao, tôi tìm gặp một cán bộ sở, vị này tôi biết rất rõ : trẻ, có trình độ, vào thời đó y là trùm vi tính trong cả sở, trùm theo cả nghĩa đen lẩn bóng. Tôi thốt lên, có phải ông huấn luyện cho ngài về vi tính không vậy? Bái phục bái phục. Hắn lừ mắt nhìn tôi rồi cười cười, tội nghiệp cho ông cù lần lâu ngày không lên tỉnh. Nếu ông có dịp nghe ngài nói về vấn đề này lại thì cũng thế, tui thuộc bài của ngài luôn rồi! Nhưng nếu nhờ ngài chỉ cho cái nút để gõ chữ hoa trong bàn phím đâu ngài cũng chẳng biết, sao ông cù lần đến thế... Bổng dưng tôi nghĩ đến Hoàng đầu bò, một "bà tám" chuyên ngồi quán cà phê suốt ngày để hóng chuyện, đầu bò có thể nói đủ thứ chuyện, từ máy tính đến phần mềm, địa ốc đến vỏ ốc, từ tam quốc đến đế quốc, từ con cò đến con cuốc... Tôi đã́ gặp rất nhiều thánh tướng, từ tiểu thánh đến đại thánh, ba tròn bảy vuông, nhưng là khi trà dư tửu hậu. Nhưng̉ thánh tướng cấp cao ở trong hội nghị kiễu này ... thì có nước... ngu. Bờm ơi...

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

Ru ta ngậm ngùi

Nắng chia nửa bãi chiều rồi... Hoàng hôn xuống, bãi cát trắng đổi màu, chiều rồi...Thương con ba dùng máy tính cũ, gở gở tháo tháo, cài cài đặt đặt, thức suốt cả đêm. Mua cho con chiếc máy mới tinh, chiếc máy cũ của con ba dùng, còn chiếc máy cũ của ba, ba gởi về cho ông nội. Nước mắt có bao giờ chảy ngược...Ba thương ông nội như con thương ba bây giờ. Đến khi ba lên chức ông ngoại, ba cũng rất mừng khi nhận được chiếc máy tính cũ của con. Vì ba biết chắc rằng cháu ngoại của ba đang dùng chiếc máy mới. Ba mua cho con xe mới, đầy đủ tiện nghi. Xe ba cà rịch cà tàng, nổ như xe tăng, mùa nắng ngồi trong xe như ngồi trong lò lửa, ba bảo xe ba còn chạy tốt. Thương ba con hứa, khi nào lớn lên con sẽ mua xe sport cho ba. Ông nội đi chiếc xe hai bánh đời 78. Ba thương ông nhưng ba biết con cần xe tốt. Ba sẽ rất vui khi dùng lại xe cũ của con thôi. Nắng chia nửa bãi ... chiều rồi. Ba đã về chiều. Ông sắp vào đêm. Còn con, con là bình minh, là ngày mới, là niềm hy vọng.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Bài thi này sẽ được chấm như thế nào?

Sáng nay Cù lần tui check mail và nhận được thư này từ người bạn, tôi đã khóc khi đọc những giòng này. Tôi cho điểm tối đa...

Đề bài

Câu II (3 điểm):

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.135).

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống

Bài làm:

Trong thư Ngày 20/11, Bộ trưởng đã cảnh báo: “sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và trong xã hội”. GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học nổi tiếng bởi sự chính trực đã từng kêu lên: “Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối. Bệnh giả dối là một nỗi quốc nhục”.

Vâng. Giả dối là nỗi quốc nhục nhưng buồn thay, chúng ta đang phải sống chung với sự giả dối dù trong sâu thẳm, mỗi người đều khao khát được sống trung thực với mọi người, trung thực với chính mình. Thế nhưng ai cho họ sự trung thực? Làm sao có thể sống trong sự trung thực khi xung quanh tràn lan sự lọc lừa, dối trá?

Thưa thầy, em hoài thai vào cái đêm giao hoan của hai “kẻ trộm”: “Ngủ với vợ mà như ăn trộm - Không cái sợ nào bằng cái sợ có con” - Thơ Nguyễn Duy. Khi cái bào thai ba tháng tuổi là em ngo ngoe trong bụng đã thấy mẹ vo vo tờ polime dúi vào tay ông bác sĩ siêu âm để mua lấy câu trả lời lách luật: “Cháu đái ngồi (con gái) hay đái đứng (con trai)?”. Ngày em chào đời, hình ảnh đầu tiên mà em nhận thấy bà em gấp gấp tờ polime đút vào tay cô hộ lý để “tắm cho cháu nhẹ nhàng”. Hai tuổi, em đi mẫu giáo, ba em cầm cuốn “Sổ vàng” mặt ghệt như người vừa bị trấn lột. 6 tuổi, em đi học. Đó là cuộc đua chạy trường, chạy lớp mà phương tiện là những chiếc “phong bì” lặc lè ngoại tệ. Em vào đại học. Em đi xin việc. Em làm dự án. Em sinh con. Con em đến trường... Rồi mai ngày khi em mất đi, chắc chắn con em sẽ làm như bố em ngày ông em mất: Lo lót cái phong bì để có chỗ nằm trong nghĩa địa. Hành trình làm người là hành trình giả dối.

“Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối”. Thạch Sanh 3 lần bị phản bội vẫn ơn Lý Thông như một ân nhân. Mị Châu mất đầu vẫn giữ niềm tin ở tên Tàu gian Trọng Thủy. Cô Tấm ba lần bị lừa vẫn tin ở tình yêu thương nơi mụ dì ghẻ độc ác. Dân tộc Việt Nam không chỉ trung thực mà thành thực đến ngây thơ. Sự dối trá đến với dân tộc ta từ bao giờ? Ai đầu têu và nuôi dưỡng sự dối trá này, thưa thầy?

Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng. Nếu không muốn bị coi là dị dạng, bị cộng đồng xua đuổi đương nhiên không gù cũng phải còng xuống thành gù. Ai cho họ thẳng lưng? Ai cho họ trung thực? Có nơi đâu mà sự trung thực bị coi như một nhược điểm, thậm chí ngu xuẩn, điên rồ, thưa thầy?

Dù muốn có một kỳ thi trung thực nhưng làm sao em trung thực được khi bên cạnh em là sột soạt tiếng mở bài dưới sự che chở của giám thị? Khi cho thi đề này, một lần nữa thầy lại bắt chúng em phải nói dối bằng những lời sáo rỗng, không phải của mình bởi nếu viết trung thực suy nghĩ của mình, chắc chắn em sẽ bị điểm 0.

Trung thực rất cần sự dũng cảm. Thầy có đủ dũng cảm để cho bài thi này dù chỉ là 1/2 điểm?

Nhưng em biết, thầy sẽ... im lặng!

Bùi Hoàng Tám

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Niệm cọt

Tôi có vài người bạn tên Niệm, Niệm tôi nhớ hôm nay là Niệm cọt. Cọt nhưng chơi bóng chuyền rất hay, chuyền hai rất chuẩn và khéo. Biết Niệm trong kỳ trại hè Trà Bá Pleiku, gặp lại khá bất ngờ ở miền đông nam bộ lúc tôi chuyển qua dạy cho trường bổ túc công nông của tỉnh Đồng Nai vào năm 1988. Trường bổ túc công nông là trường dạy cho cán bộ để bổ túc văn hóa hết cấp 3, nhưng khi tôi chuyển về thì có lẻ không còn cán bộ nào cần bổ túc văn hóa nữa nên học sinh chỉ còn là con em cán bộ thứ thiệt của tỉnh, đại đa số là cá biệt nên không học phổ thông được...Mở rộng đối tượng như thế mà năm học đó cũng không tìm đâu ra đủ học sinh. Niệm nói thật như đùa : ngành sư phạm là trung tâm giải quyết nạn thất nghiệp. Buồn cười thay, hiệu trưởng là cựu học sinh của trường, sự thật 100%, chỉ mới học xong lớp tám! Tôi chuyển về dạy toán khi nhà trường đang xây một công trình khá lớn: nhà ăn cho 500 học sinh, chuyện hoàn toàn vô lý khi học sinh nội trú trong trường chưa quá 100 và không tìm đâu ra học sinh cho năm học tới, hiêu trưởng phải gởi thông báo đi khắp nơi trong tỉnh, cho nhân viên về các huyện để tìm cho ra đối tượng! Lúc bấy giờ tôi chưa hoác ngộ được cái thành ngữ của ông bà xưa: "có làm thì mới có ăn", nên vô cùng khó chịu với công trình xây dựng này. Niệm âm thầm làm bản kháng nghị...âm thầm chuyền tay cho anh em giáo viên, nhân viên ký tên. Bản kháng nghị gồm nhiều mục, tôi không nhớ rõ nhưng trong đó có đề nghị ngưng thi công cái nhà ăn vô lý kia. Và... lảnh đạo sở gồm cả giám đốc, trưởng phòng tổ chức... xuống họp giải quyết. Chủ trì cuộc họp hôm đó là Niệm, vì nó đang làm chủ tịch công đoàn. Tôi thường tự hào là mình dạn gan, nhưng hôm đó tôi thực sự thấy mình quả là nhỏ bé trước Niệm cọt. Niệm điều khiển cuộc họp "tuyệt vời". Sau khi cho phép đọc lại bản kiến nghị, Giám đốc sở (đại quan) định phát biểu để "dẹp loạn", Niệm can thiệp rất tuyệt, chẳng biết sợ trời sợ đất: xin ông giám đốc ngồi xuống, ai muốn phát biểu phải đưa tay, được sự đông ý của tôi, người chủ tọa, mới được phát biểu, vì đây là một cuộc họp có tổ chức. Giám đốc sở từ ngạc nhiên đến giận tím cả người, lắp bắp, run rẩy ngồi xuống và bỏ ra ngoài. Sức mạnh của con người không chỉ ở thể chất, sức mạnh của sự vô úy mới ghê: Niệm không còn cọt trong mẳt tôi từ dạo đó. Sau đó thì ... mọi sự vũ như cẩn. Rồi trường giải thể. Nhà ăn vẫn cứ xây xong và "áo em chưa mặc một lần" đã rách, cái nhà ăn chưa một lần sử dụng đã nát bét...(hoác ngộ: có làm thì mới có ăn) Niệm cọt tiếp tục dạy lý thêm một thời gian cho trường mới. Sau đó hắn cưới vợ và thôi việc theo vợ về miền tây... Lâu rồi, dễ thường đã gần 20 năm không gặp, không biết bây giờ Niệm ra sao...

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Cái sự...học hành

Cù lần tui tưng tức trong dạ, muốn "dzẻ" thêm một chút về cái sự học hành. Mê máy tính, cù lần tui từ cái hồi máy còn 386, năn nỉ vợ hết hơi bán đi hai tấn cà phê để tậu về cái máy 486, ổ cứng chưa tới một ghi. Thế rồi ngày đêm mần mần mò mò trên nó, đủ các thao tác, bổ sung trình độ tiếng Anh, mua sách sắm vở...thiếu đường tẩu hỏa nhập ma, tá hỏa tam tinh vì nhiều đêm lơ là luôn cả bà xã. Tính theo đơn vị thời gian là giờ, thì có lẻ cho đến nay cù lần tui mất: 10x365x5=18.250 giờ (con số này là phỏng định sơ sơ chứ thực tế còn hơn), thì thử so sánh với thời gian các vị cử nhân, thạc sĩ ngâm cứu về máy tính coi xem!!! Bổng nhớ, hình như nhà danh họa Picasso luyện vẽ trong bóng đêm hàng triệu lần chỉ một nhát cọ, đố ai hay... Đâu có cần cái bằng cái cấp để xác định cái sự học. Cù lần tui có ông bạn họa sĩ cartoon, thường tự hào về việc chẳng có bằng cấp gì, nhưng tôi thì tin rằng các ngài tiến sĩ giáo sư về hội họa không chắc đã đủ khả năng để cấp bằng cho ông cartoon này... Ông cụ thân sinh người bạn thủa thiếu thời là một học giả, từng dạy Việt Hán cho ĐH văn khoa Huế trước 75, ông tự hào về chữ giả của ông lắm, ông thường nói đùa, tôi là học giả, giả ở đây là không thật, vì tôi không có cái bằng gì cả ngoài cái bằng kỹ sư lục lộ thời Pháp thuộc... Nhưng tôi biết ông đọc được chữ Hán, chữ Nôm cổ, thông thạo Pháp văn, Anh văn, tiếng Nhật, La tinh, và cả tiếng Phạn nữa...Ông dành trọn thời gian sau 75 đến bây giờ cho việc nghiên cứu học thuật, kinh sách... Việc học vốn vô tận. Cái hành, cái hạnh mới là cái bằng, cái cấp thực sự

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Cái sự...học

Bạn tôi không có một tí bằng nào về tin học, vi tính mà tôi gọi bằng đại sư phụ; có người cõng một lô cử nhân toán tin mà cù lần tui không bao giờ "dám hỏi" vì sợ bị chê ngu! Bạn tôi không một giờ trong giảng đường đại học mà thông thiên đạt địa; có người cử nhân luật học mà đi đi dạy giáo dục công dân còn bị học sinh sửa lưng... Vợ tôi không có bằng cấp gì về sư phạm tâm lý, mà suốt ngày huấn luyện tôi và hai đứa con nên người hữu ích, mà suốt đêm ủi an vuốt ve tôi hơn cả bác sĩ tâm lý và chuyên gia đấm bóp, mà suốt đời tự hào về ông chồng ngây ngây ngố ngố... Bạn học thời mặc quần đùi của tôi có cô bây giờ là bác sĩ, tiến sĩ hàn lâm mà chửi chồng như chửi ăn cướp, mà chồng cũng cõng trên vai ít lắm là ba bốn cái bằng đại học... Thế mới hay cái sự học không phụ thuộc vào cái nhản mà xã hội gắn cho, nhất là trong cái xã hội hằm bà lằng đủ thứ tàn dư phong kiến, thực dân củ mới ̣ hỗn mang ... Cù lần tui không dám kết luận ẩu, chỉ nêu vài trường hợp cho vui thôi... Tôi không tin vào cái bằng nào cả, dù cho đó là bằng thiệt 100% không mua không bán, dù cho đó là bằng ngoại, bằng Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Campuchia... Cù lần tui chỉ tin chỉ phục khi "chộ" cái khả năng làm việc, cái hành, cái đức của người khác thôi.

Tìm trong blog