Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Giáng sinh 2010

Lễ Giáng Sinh năm nay lạnh và gió. Đại gia đình tập trung về nhà anh Dũng chị Hòa để mừng lễ và phát quà cho các cháu... Nhân vật mới là cháu Ella và...Minh Anh.
Buồn một chút vì gái út và các cháu không còn tin ông già Noel có thật.
Vui vì gái đầu đã biết mua quà cho ba mẹ.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Gia đinh tôi


Tôi sinh ra trên cộôc tóoc (gốc rạ), được bà nội cắt rốn bằng liềm cắt cỏ. Nên dù sống rất nhiều nơi, phố có, núi có, biển cũng có. Lúc buồn buồn bắt bàn chân lên mũi ngửi, vẫn còn nhận ra mùi phèn...
Gia đình tôi không có gì để tôi tự hào, để tôi kể lể. Ba tôi chỉ tốt nghiệp tiểu học, mạ tôi chỉ xong lớp bình dân học vụ. Anh chị em tôi không ai làm ông to bà nậy, chẳng ai giàu có chi nhiều. Nhưng gia đình chúng tôi tình thương không thiếu

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Chiếc lá sắp rụng.


-Anh Thanh ơi, tui sắp hết rồi...
Giọng Lâm vốn đã trầm, giờ trầm hẳn. - Có đau lắm không?. - Không đau nhiều, vì từ rốn trở xuống đã bị mất hết cảm giác! Tôi nghẹn ngào muốn khóc.
Tôi chơi với Lâm hồi còn học lớp chín. Lâm lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng thường gọi tôi bằng anh vì tôi ở vai anh phía ngoại. Lâm học trên tôi một lớp khác trường, nhưng hai đứa gặp nhau vì cùng thích làm thơ, thích trở thành nhà thơ. Tôi và Lâm đã từng làm máy in ronéo bắng khung vải, hai đứa đã cùng đi nhặt những ống mực thừa trong các thùng rác của tòa hành chánh tỉnh Quảng Trị, thơ của Lâm và của tôi thời học trò đã từng được in bằng cách đó!
Rồi chiến tranh, mùa hè đỏ lửa 1972, cả tỉnh Quảng Trị cùng chạy loạn. Tôi vào Đà Nẵng, ít gặp lại Lâm, dù cùng học chung lớp với Tuyến là em trai Lâm. Sau đó Lâm và gia đinh vô Sài Gòn. Không gặp nhau sau một thời gian dài, mười năm, hai mươi năm có lẻ, Lâm thành đạt lớn, là kỷ sư, là nhà xuất nhập khẩu gì gì đó.
Hai năm trước tôi ghé nhà Lâm ở Sài Gòn. Bệnh ung thư tưởng đã lành, Lâm vui vẻ tiếp tôi tuy rằng còn yếu. -Nghỉ bớt đi. -Ừ thì anh coi đó, tui cũng giảm bớt việc, nhưng cũng còn phải mần một tí! Ngồi với nhau chưa được một tiếng Lâm tiển tôi về, còn hẹn lần sau ...
Giờ thì sắp hết rồi, chiếc lá sắp rụng, tôi bàng hoàng không chỉ cho Lâm mà cho cả tôi...Thôi mi đi đi, bình an mà đi nhé. Hơn thua được mất xin hãy quên đi, xin hãy tha cho một đời bôn ba...

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Một ngày nghỉ


Bắt chước Chúa trời, ngài dựng nên mọi sự trong sáu ngày, chừa một ngày để cho... mọi sự chạy còn ngài thì thư giãn! Cù tui cũng lấy một ngày nghỉ cho đở cái lưng tra.

Sáng không vặn đồng hồ báo thức, để rán tí trên giường, nhưng khổ nỗi quen rồi cứ đúng bảy giờ là không còn nhắm mắt được. Bà xã nằm bên thở dài: -cô đơn, tui cô đơn. Thế là an ủi, ủi an cho yên cửa yên nhà. Hai chục phút, nửa giờ là chuyện thường ngày ở nhà! Nửa giờ nữa, dành cho chữa bệnh tại gia: đốt ngãi cứu hơ lưng, hơ vai cho vợ. Rồi lo cho cái thân, hai cái thân: thể dục, công phu, vừa luyện vừa huấn luyện cho người đẹp. Hết suối nguồn tươi trẻ, đến taichi, yoga, chừ thì càn khôn thập linh. Kể ra thì cái công phu ni có tác dụng thiệt. Thế là tám giờ rưỡi sáng! Ra sau nhà tưới cây, vô làm ly trà, tí điểm tâm là đến giờ con đi học. Sáng ni, con gái đầu bận đi thông dịch cho dì nó sớm ở văn phòng bác sĩ, nên tui phải lãnh thêm cái nhiệm vụ chở con gái út và hai đứa cháu đến trường. Có xe buýt đưa rước học sinh đi về, nhưng tui muốn chi em chúng nó có thời gian gần nhau nhiều hơn, nên thôi thì không chi hơn đi xe nhà! -Ba à, ba nhớ ghé nhà thuốc tây mua cho con cái đồ lau răng nghe. Không hiểu, con út muốn mua cái gì. -Thôi thì con nói tiếng Mỹ đi may ra ba còn hiểu nỗi! Ui chao, chợt nhớ ra, chiều ni có hẹn chở gái út đi nha sĩ nữa! Răng của nó hơi vênh tí, mẹ nó cằn nhằn hoài, nên phải cho đi nha sĩ niền lại cho thẳng, năm ngàn đồng cho cái sự đẹp. Thôi thì cũng đáng, nhưng tháng nào cũng y hẹn đến để họ kiểm tra.

Về đến nhà hơn chín giờ rưỡi, con chó sủa ăng ắc, đòi đem đi tắm, bộ lông trắng như bông của nó mà để quá một tuần không chăm thì trông không ra gì. Thôi thì tắm chó, nó mừng cào cào vô chân, móng sắc quá, phải cắt bớt, mắt chừ không còn rõ, lạng quạng cắt vô da làm hắn chảy máu, lại phải băng bó! Chừ thì lạy Chúa cho con nghỉ ngơi. Ừ thì con cứ việc nghỉ. Vô phòng tắm rửa ráy. Con mắt lại cứ săm soi. Sao cái gì đen đen bám vô chỗ này. -Ba à, cần phải clean up! Chùi hả, thì phải mần thôi, có cái gì không lau mà sạch đâu, kể cả linh hồn lâu lâu cũng phải đem ra mà ngó, nếu không được sạch thì cũng phải chùi! -Ba à, con đi học rồi nghe. Tiện thể nhờ ba coi cái phong tắm của con có bị dơ thì ba xịt thuốc tẩy, chiều con về chùi! -Ừ thì con đi đi... lái xe cẩn thận. Thôi thì con nó bận học, học là khó nhất, học là trên hết, ba rán mần mấy cái việc vặt cho. Mười hai giờ!

Chừ thì bụng hơi đói, bà vợ hồi sáng trước khi đi làm có dặn -Anh nhớ hâm nồi nước dùng trước khi chan vô tô nghe, trưa ni ăn bún bò Huế, sau đó để cho nó sôi chút rồi tắt lửa. -Ô kê anh nhớ. Ra nhà bếp, trên cái cao-tờ và trong sin soong chén chưa rửa vì sáng ni bà vợ có khách hẹn sớm! Ừ thì rửa tí rồi ăn chứ có răng mô. Một giờ chiều!

Quá khứ là chuyện đã qua, hì hì, có nhớ lại cũng chỉ để bâng khuâng vài ba phút. Tương lai là chuyện chưa tới, đố ai biết được thế nào, qui sera sera!,có lo cũng bằng thừa. Hiện tại là quà tặng của thượng đế ban cho mọi người, không phải present là hiện tại mà cũng là quà tặng đó ư?!. Cù lần ơi ráng mà tự tại...

Lạy Chúa chừ thì con biết được ngày thứ bảy là ngày của ngài. Con chỉ có được ngày thứ bảy của mình khi con về trình diện trước mặt ngài, mà ngày đó, thú thật, con chẳng muốn.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Vườn chừ... vườn xưa

Vườn tôi giờ... hoa lá tràn cây
Vườn tôi xưa ... trống trải đợi chờ

Nhưng sao tôi vẫn...

như mất điều gì:

Thời gian qua đi không trở lại.

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Thư rãn cuối tùn: Tác dụng của số không

Có một vị thông thái, nghèo sống cạnh một ông nhà giàu.
Một hôm nhà thông thái ngửng mặt lên trời  trách ông xanh:
-Hởi ông thiên, sao ngài bất công đến thế! Để thằng ngu được giàu mà tui thì khổ dậy nè ... chời!
Tất nhiên là ông địa hiện ra và cho nhà thai thống ba điều ước.
-Mi thông thái đáng được hưởng lộc giời, nhưng vì mi còn cái tính hay ganh tỵ nên hễ mi có được cái gì thì nhà giàu kia sẽ được gấp đôi. Cho mi một phút suy nghĩ.... Nào bắt đầu!
-Con ước có một cô vợ tuyệt đẹp.
Lập tức một hoa hậu tiên giới xuất hiện bên mình nhà thông thái. Nhìn sang nhà kia, nhà thông thái thấy hai nàng tiên nga đang ỏng ẻo cùng lão nhà giàu.
-Con ước...cái của quý của con ngắn lại một nửa...
Bên kia, ông nhà giàu đang khóc lớn.
-Dạ...hì hì. Bây giờ thì con muốn nhân ba chiều dài hiện có.

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Có thể bạn chưa biết: Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh

Một hôm môn đệ hỏi thầy: thưa thầy, hạnh phúc là gì? Tự do là gì? Ông thầy không trả lời. Mấy ngày sau nhà hiền sĩ gọi người đệ tử đi chơi, đến nhại mồ hôi rồi nhảy xuống khúc sông tắm. Khi đang tắm vui vẻ mát mẻ, nói chuyện trời đất mông lung. Thì ông thầy bất thình lình túm tóc của người học trò dí xuống, nó ngộp thở nó ngoi lên. Dí xuống lần thứ hai, nó ngộp thở nó ngoi lên. Ông thầy dí lần thứ ba nó gần chết, nó đạp ổng một cái. Ông thầy buông nó ra, nó ngoi lên, ông thầy hỏi: Con đã hiểu hạnh phúc là gì chưa? Tự do là gì chưa?

Và tôi nói, người có niềm tin tôn giáo cũng như anh đệ tử kia vậy. Người có niềm tin tôn giáo cũng tha thiết được sống với niềm tin của mình. Hệ ai mà ép buộc thì chịu không nổi. Ép lần thứ nhất ráng chịu. Ép lần thứ hai cũng ráng mà chịu. Ép lần thứ ba thì chúng tôi cũng phải đạp


 Mời các  Blog- hữu xem thêm tại ĐÂY , nếu vô không được thì tạm xem link NÀY

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Làm dáng: Nước hoa

Cù lần quả là quá cù lần. Nhớ năm xưa, cách đây khoảng mười lăm năm, tui đặng một người chị ở Mỹ gởi tặng một chai nước hoa, hàng hiệu đàng hoàng. Tui quý lắm, không phải vì tui thích ngửi, nhưng quý là vì cái tình, cái nghĩa. Chỉ khi nào đi ăn tiệc tui mới xịt tí! Cho đến một hôm rãnh rỗi, mưa thu rả rích, tui ngồi tẳn mẳn nhớ về bà chị tốt bụng bèn đem chai nước thơm ra ngắm nghía, thấy có hàng chữ: Eau de Toilette. Cù tui ngày còn bé có trọ trẹ vài ba chữ tiếng Pháp bèn hiểu rằng : nước dành cho cầu tiêu! Thế là cứ nhằm bà chị mà ngấm ngầm ... trách hận suốt mấy tiếng đồng hồ! Cho đến khi bà xã tui đi làm về mới được minh ... cái đầu. Cù tui cũng không ngờ người bạn đời chung chăn mấy chục năm lại rành nước bông đến thế ...Đây nè ông Cù lần ơi:

Loại nước hoa có mùi hương đắt và kéo dài lâu nhất là Parfum thường chứa 30 - 40% tinh dầu. Nước hoa chính hãng nếu xịt vài giọt lên da có thể giữ mùi được từ 6 - 9 giờ. Đây là loại nước hoa thường được dùng vào buổi tối hoặc vào những dịp đặc biệt.
Loại Eau de parfum thường được dùng vào ban ngày, chứa từ 8 - 14% tinh dầu. Đây là loại không giữ được mùi lâu như parfum, nó chỉ giữ được mùi trong 4 - 5 giờ.
Eau de toilette là loại giữ mùi kém nhất, chỉ chứa 3 - 8% tinh dầu và chỉ giữ được mùi trong 2 - 3 giờ. Đây là loại thích hợp để dùng vào mùa hè nóng nực khi đi làm hoặc dùng hàng ngày.

Nhân có mua tặng cho mấy đưa em vài chai nước hoa. Cù tui bèn nhớ đến chuyện xưa.... Ngoài trời lại đang mưa.



Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Sự thật về sự tháo chạy của thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Xin đăng lại bài sau đây từ trang Bô-Xít Việt nam

Từ lâu rồi, nhiều người đã được biết những tin tức về việc Trần Văn Chính – thực chất là hai anh em nhà Trần Văn Chính – quyết tâm chiếm lấy bằng được Trường Đại học Phan Châu Trinh. Một anh Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giáo dục & Đào tạo về hưu, khiếp! Tiền đâu mà lắm thế! Anh ta góp cổ phần, rồi đang định lấn chiếm toàn bộ ngôi trường Phan Châu Trinh – một cơ sở giáo dục quyết tâm không mở trường tư thục để sinh lời, mà chỉ một lòng một dạ mở mang dân trí và chấn hưng dân khí.
Bài “tường thuật” sinh động dưới đây cho thấy mấy con bạch tuộc ở cái Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thò râu và vòi đi xa như thế nào. Nhưng thời thế đã đổi thay! Đừng nghĩ cứ như những năm 1960, cứ giơ cái Ban Cán sự ra, thì ai ai cũng sợ và ai đó thì muốn làm gì cứ làm. Người ta quên mất là ngay khi nền dân chủ còn bị bóp nghẹt, thì những con người thông minh và trung thực vẫn biết dùng cái đối sách tuyệt vời Tây họ gọi là tit for tat còn Ta thì gọi là ăn miếng trả miếng – và còn hơn Tây nữa, ấy là biết trả miếng theo phương thức tương kế tựu kế. Nói cho dễ hiểu là anh có Ban cán sự thì “bọn choa” đây cũng có Ban cán sự chớ sao?
Đầu nhứng năm 1980, nhà giáo dục Hồ Ngọc Đại – giải thưởng Giáo dục Phan Châu Trinh 2009 – chủ trương giỡ ra làm lại từ đầu. Đến nay, có lẽ lời hô hào quá hiền hòa đó cần thay đổi, vứt đi làm lại từ đầu để thay bằng một cái khác hoàn toàn khác, có lẽ là điều hợp lý nhất.
Trong khi chờ đợi, có ai ở quý Bộ đứng ra cãi lại bài tường thuật này không đây? Chẳng lẽ chỉ là giá áo túi cơm thôi à? Không có ai đủ tài năng và dũng khí đứng ra bảo vệ đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa ư?
Phạm Toàn



1. Đoàn công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu vào làm việc tại Trường Đại học Phan Châu Trinh ngày 5/8/2010 được bắt đầu lúc 8 giờ 15 phút. Phóng viên các báo Tuổi trẻ, Giáo dục thời đại, Người lao động… chuẩn bị máy quay, ghi âm sẵn sàng.

Ngay sau lời mở đầu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu không đối thoại mà chỉ thực hiện ba bốn nội dung của chương trình nghị sự, bà lấy lý do Bộ còn làm việc với Đại học Đà Nẵng lúc 9h 30 nên cuộc họp chỉ có thể diễn ra trong vòng một giờ. Lập tức ông Nguyên Ngọc Chủ tịch Hội đồng Quản trị lên tiếng phê phán lối làm việc vô trách nhiệm này của bà Thứ trưởng: Tôi vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến một đoàn công tác mười người đầy đủ các ban bệ của Bộ do một Thứ trưởng dẫn đầu vào làm việc với Trường, để giải quyết một việc lớn, âm ỉ dư luận từ mấy năm qua, mà lại không cho đối thoại và chỉ làm trong một giờ đồng hồ! Làm như vậy thì làm làm gì cho tốn thời gian tiền bạc của dân, bà không biết xót những đồng tiền này à?

Ông Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng nói huỵch toẹt “Bà thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và mười thành viên của đoàn công tác Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tất bật, tận tụy, chăm chỉ, cặm cụi làm theo kịch bản của Trần Văn Chính, một cán bộ lãnh đạo của Bộ đang bị nhà trường tố cáo tham nhũng, hối lộ. Trần Văn Chính là một cán bộ của Bộ có tham gia cổ đông, luôn có thái độ chống đối phá phách ngăn cản Chủ tịch Hội đồng quản trị bằng việc đút lót cho những kẻ biến chất ở cơ quan Bộ. Âm mưu của Trần Văn Chính đó là quyết loại trừ cho được Hiệu trưởng nhà trường, quyết phá không cho tuyển sinh, quyết quy kết bằng được những điều mà Trần Văn Chính đã mớm trong kết luận thanh tra 108…

Nhưng điều trớ trêu là trong Quyết định của bà Nghĩa lại không có câu: “Quyết định này thay thế cho Quyết định đã ban hành trước đây” (Tháng 3/2010 Thứ trưởng Phạm Vũ Luận nay là Bộ trưởng đã ký quyết định cho phép nhà trường được tuyển 650 chỉ tiêu đi học cao đẳng vào các ngành)

Và Chủ tịch HĐQT Nguyên Ngọc đã tuyên bố trả lại cái quyết định tạm dừng tuyển sinh đại học năm 2010 mà bà Nghĩa đã ký trái với quy định hành chính này.

2. Nhưng chưa hết, trước đó đoàn công tác của bà Thứ trưởng đã có buổi làm việc với đông đủ bá quan văn võ của thành phố Hội An để truyền đạt mệnh lệnh của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo về loại trừ ông Phan Ngọc Thu ra khỏi chức vụ Hiệu trưởng nhà trường theo đúng kịch bản của Trần Văn Chính..

Bí thư Thành ủy Hội An đã chỉ thẳng vào mặt bà Thứ trưởng: Không phải tôi đem 5 thường vụ và lãnh đạo các đoàn thể đến đây ngồi họp để làm cảnh cho cái trò truyền đạt này của chị nhé! Chúng tôi đến đây là để bàn bạc với chị chứ không phải để ngồi nghe chị lệnh! Làm Thứ trưởng như chị đừng tưởng ngon, tôi đây cũng thừa sức làm.

Ông mắng tiếp: Ông Thu là Bí thư chi bộ nhà trường, là đảng viên do địa phương tôi quản lý, tại sao không ai bàn bạc trước với tôi chuyện này. Ban cán sự đảng của Bộ Giáo dục là cái gì? Là cái gì đó thì tôi cũng không cần biết, tôi không quan tâm, nhưng muốn can thiệp vào tổ chức trực thuộc của tôi, vào đảng viên của tôi, thậm chí muốn hiểu định nghĩa sai phạm nghiêm trọng là như thế nào thì phải vào đây mà làm việc. Chị là cái gì, chị là Thứ trưởng thôi chứ chị to hơn đảng à! Tôi sẽ báo cáo ra Ban bí thư trung ương đảng chuyện này chứ tôi không để yên đâu, đừng có quen thói cửa quyền đứng trên luật pháp!

3. Bị bẽ mặt, Thứ trưởng cùng bầu đoàn thê tử luống cuống rời phòng họp văn phòng Thành ủy. Tay Thư ký đoàn vội đi riêng gặp vị Bí thư này để xin ý kiến giải quyết, vì quyết định sa thải đã mang đi rồi mà không công bố thì biết ăn nói làm sao với Bộ trưởng đây.

Vị Bí thư Thành ủy nói ngay:
Các anh phải biết lường trước cách ứng xử của Trường đại học Phan Châu Trinh nếu đưa ra công bố quyết định này:

Thứ nhất, Trường sẽ nói: bà Thứ trưởng hiện đang là bị đơn của nhà trường kiện lên Thanh tra Chính phủ vì tội cùng Phó thanh tra Bộ Phạm Ngọc Trúc tiếp tay, bao che cho các hành vi vô đạo đức, trái pháp luật của nhóm tố cáo nhà trường, nên bà không có tư cách gì để đứng ra công bố quyết định. Nếu nhà trường tuyên bố như vậy với bà Nghĩa, các anh sẽ làm gì, chịu trận với nhau cả lũ chứ gì!

Thứ hai, Quyết định 61 quy định nhiệm vụ của HĐQT là bầu Hiệu trưởng, bây giờ anh muốn phế truất thì ít nhất cũng phải có ý kiến của HĐQT đề nghị đã chứ, anh tùy tiện làm ngang xương trái luật mà được à. Nếu bà Nghĩa cứ công bố Quyết định, ông Nguyên Ngọc sẽ lôi ngay điều 14 của Quyết định 61 về quyền của Chủ tịch HĐQT, để lập tức trình bổ nhiệm ngay chính… ông Thu, thế thì các anh nói sao, các anh chỉ bẽ mặt thôi chứ sao, vì họ làm đúng luật, Quyết định Thủ tướng cho phép vậy mà, đúng không!

Thứ ba, cái này là ứng xử của tôi chứ không phải của trường, như tôi đã nói hồi nãy, cái trường này là niềm tự hào của nhân dân Quảng Nam, của nhân dân Hội An chúng tôi, tôi phải bảo vệ đến cùng, Hiệu trưởng là đảng viên của tôi, tôi cũng bảo vệ đến cùng. Các anh quy cái chữ sai phạm nghiêm trọng vào để có cớ áp vào điều luật để xử ông Thu thì đó là quyền của các anh, đối với tôi và rất nhiều người khác việc tuyển sinh năm đó của ông Thu là rất nhân văn, rất hợp đạo lý tình người mà Bộ phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đừng nên đứng trên sự vô cảm và xơ cứng để quy kết sự việc.
Có thể sự bảo vệ đến cùng đó cũng sẽ có cái giá của nó. Vì thế, nếu ngày mai bà Thứ trưởng công bố quyết định miễn nhiệm ông Thu, tôi sẽ lập tức cho thu hồi ngay miếng đất này. Thu hồi ngay lập tức! Tôi thu hồi vì đã hết hạn cho nhà trường mượn. Còn 1500 sinh viên kia thì bà Thứ trưởng tự đi mà giải quyết, muốn giải quyết phân phối về trường nào thì tùy bà, chúng tôi không cần biết!
Đó là chưa tính đến tình huống các anh sẽ bị khóa trái cổng lại không cho về. Nhà trường sẽ nhốt Thứ trưởng lại để sinh viên kéo đến hỏi chuyện. Tôi không dọa đâu vì chuyện này nó đã xảy ra ở Điện Bàn mấy tháng trước rồi. Tôi cẩn thận dặn các anh vậy để các anh tính.

Chết khiếp vì sự phản ứng quá mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương và nhà trường, ngay đêm mồng 4/8/2010 bà Thứ trưởng vội vã xin gấp ý kiến chỉ đạo cấp trên và đã phải rút lại quyết định sa thải ông Phan Ngọc Thu, chỉ công bố vội vã cái quyết định không cho tuyển sinh, nhưng rồi cũng bị Nguyên Ngọc nhờ chị đưa về cho Bộ trưởng, chứ cũng chẳng thèm cầm xem.

Không cho ai phát biểu thêm, Thứ trưởng cùng bầu đoàn thê tử vội vã ra xe... chuồn gấp! Toàn bộ thời gian chuẩn bị công phu từ mấy tháng trước, nào là thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thông báo cho HĐQT nhà trường, mail qua fax lại… vì sự thành công của môt chuyến công cán, cuối cùng vì quá khiếp sợ, bà Thứ trưởng chỉ làm việc ở trường hết có 56 phút và không thể nào hoàn thành được kịch bản của Trần Văn Chính đã soạn ra!



TT



(Đà Nẵng)

 

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Xin được sửa một chữ...

Nắng Thủy Tinh

Tác giả: Trịnh Công Sơn

Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên.

Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em

Em qua công viên bước chân âm thầm
Ngoài kia gió mây về ngàn
Cỏ cây chợt lên màu nắng

Em qua công viên mắt em ngây tròn
Lung linh nắng thủy tinh vàng
Chợt hồn buồn dâng mênh mang

Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em
(Màu nắng bây giờ trong mắt em)

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2010

Ngọt ngào một thoáng

Ngọt ngào

Một lần lầm lỡ, tôi đã tưởng em không bao giờ trở lại. Nhưng tạ ơn đời, tạ ơn em, em lại đến. Bên tôi em mơ màng mở trang tiểu thuyết, tôi mân mê bàn tay em, năm ngón tay bệnh hoạn, năm ngón tay nuôi sống đời tôi. Tiếng nhạc nào du dương dặt dìu. Em nhìn tôi nhẹ nhàng, im lặng, thời gian như ngừng trôi…

Lần này em lại ra đi, và tôi mong em trở lại đúng chu kỳ. Nửa tháng hay nhanh hơn càng tốt, để cơn nhung nhớ tôi được nguôi ngoai, để tôi thôi khắc khoải đợi chờ, em lại mang đến cho tôi nụ cười, mang cho tôi nguồn sống.

Cũng có thể em không bao giờ trở lại, nỗi mong chờ tôi rồi rơi vào quên lãng, cơn mưa mới sẽ rửa sạch đi làn bụi mỏng trong mắt tôi. Tôi vẫn yêu đời từng ngày, từng tháng. Sẽ có người khác ngồi ở chỗ em thương ngồi, tôi vẫn như quán tính lại vuốt ve bàn tay ai, nhẹ nhàng, chịu đựng.

Và cuộc sống cứ như thế, cứ trôi.

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Buổi sáng

Bạn gởi giấy mời dự tiệc mừng con gái tốt nghiệp, tiệc chiều, bốn giờ chiều. Mình lụi cụi dậy từ 4 giờ sáng, ra phi trường, vé máy bay mua từ tháng trước. Biết rằng đến giờ tiệc bạn bận, đâu có nói chuyện gì được với nhau nên mình muốn gặp bạn vào buổi mai.
Bạn ra đón mình khi vừa xuống máy bay, ngồi vào xe, bạn đã tâm sự ngay chuyện dạy dỗ con cái. Vẫn như xưa, vẫn "ưu tư" vẫn "lắng đọng" về nguồn gốc, về quê hương, vẫn lo lắng về sự khủng hoảng gốc tích của thế hệ con cháu trên xứ người.
Buổi sáng ở Phila rất mát, nhà bạn ở trên sườn đồi, ngôi nhà cũ nhưng ấm cúng. Mình bắc ghế ngoài vườn nói chuyện. Bạn lại vẫn như xưa, vẫn "nghĩa rằng là", vẫn say mê với những lý thuyết vật lý, vẫn rất khúc chiết khi trình bày một vấn đề khoa học, mình và bạn nói chuyện về lý thuyết vật lý hiện đại. Bạn đang theo đuổi, mình thì đã giả từ...nhưng trong một nghĩa nào đó giả từ hay theo đuổi cũng như nhau.
Nắng mai luồn qua tàng cây cổ thụ, nắng mai nhuộm đỏ lá cây  japanese maple...

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

Làm vườn.

Thời điểm này, bông ba nở rộ. Ngò, cải, ớt, rau răm, rau húng đang mùa.  Mấy đứa em vợ tui cứ chủ nhật là mang đến nhà cho một bó đại, ăn không hết... Bà xã tui bèn đề nghị: sao anh không mần ... vườn. Vừa để thư giãn, lại có cái để dùng.
Ý kiến hay, tui bèn xuất chiêu. Ở đây nhà này cách nhà nọ khá xa, không vách liền vách như ở phố quê mình. Đất người ta đem trồng cỏ và cây bóng mát. Hễ cứ thấy nhà nào có vài cây ăn trái sau nhà hoặc một khoảng rau xanh thì chắc mẫm chủ nhà là người Việt hoặc Căm Bốt. Hì hục cả mấy tuần: nào là xịt thuốc diệt cỏ, dọn cỏ khô, xới đất, lặt rể, lát gạch lối ra, đầm đất, rồi lát gạch chung quanh... Tui ra bản vẽ, ông bạn già tới giúp, hai anh em hì hà hì hục, bưng bê, đầm dậm, cưa cắt... lưng mỏi nhừ, tay chân tơi tả  suốt mấy tuần, tiếng là mấy tuần nhưng mỗi tuần tui chỉ rãnh có một ngày để mần việc nhà thôi! Cuối cùng công trình ... tháng 5 cũng hoàn thành: Một mãnh sân gạch nhỏ, giữa là đám đất trồng, phía trên chiếc giàn gổ treo tòn ten hai chậu bông dây tím xinh xắn. Ông bạn tui khéo tay, cho ba hàng bông đỏ nhỏ chạy lấy viền, ở giữa trồng hai cây sống đời bông đỏ tươi, bốn góc trồng tulip trắng. Một dây nho tơ đang cố sức vươn lên giàn...   
Lòng hí hửng, sáng nay tui kêu bà xã ra ngắm vườn nghiệm thu. Thế nào cũng được điểm 9 trở lên! Cù tui tơ tưởng tối nay thế nào cũng được phần thưởng đậm. Nàng khen đẹp, đẹp rồi dáo dác nhìn quanh như đang kiếm cái gì...- Thế anh trồng hành ngò rau ớt ở mô!

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Đô vật

Môn võ này, Cù Lần tui không kham, vì thể hình không đạt. Tuy hồi trẻ cũng mày mò biết vài miếng judo. Nhưng Cù tui muốn "tham lụn" để giúp quý blog-hữu tránh ngón đòn này...
Đô vật hay còn gọi là... tiền hành. Sống ở trên đời, tui có thể khẳng định một câu, có thể có giá trị tuyệt đối, là không ai khỏi có lúc bị tiền hành, kể các các bậc tu hành... chưa thành chánh quả! Dành dụm được năm triệu tháng này, tháng sau cố gắng thêm mươi triệu để ngắm nghé chiếc xe mới. Có được dăm ngàn đô cất trong tủ, cố gắng làm sau thành mười ngàn để sửa lại cái nhà. Dành dụm được mươi triệu, chưa đủ xây cái kim tỉnh, thôi thì xin con cháu thêm vài triệu để xây cho xong cái chỗ nằm ngủ ngàn thu! Những nhu cầu này thật chính đáng, thật cần thiết. Có nhu cầu thì có phấn đấu, có vươn, có bươn, thì xã hội mới tiến, mới có phố có phường, có xe hơi, có nhà lầu, có xí nghiệp, có cảng, có sân gôn, có hỏa tiển, tầu bay, tàu lặn ... vân vân và vân vân. Thế thì có chi mô để mà "tham" với "lụn"  rõ là ông Cù lần!
Tui có một anh bạn trẻ hơn tui một con giáp, lý "lụn" thì cũng giỏi. Chuyến này tui mần cho đến hết cái hạn lease (thuê) là tui ngưng, dành thì giờ chăm sóc hai đứa nhỏ. Rứa thời hạn đó là mấy năm? Năm năm. Ui chao ui, năm năm nửa thì con chú hắn đâu cần chú chăm, khi nớ một là hắn chăm cho chú hai là chú không còn con để mà chăm nữa! Một anh bạn khác cũng giỏi "kế hạch". Tui và vợ cố gắng cày để trả off cái nhà. Rứa thời hạn là bao lâu? Ba chục năm, nhưng tui cố trả xong trong năm năm. Ui chao ui! Khi mần "lon" (mượn nợ ngân hàng) người ta đã tham khảo đủ mọi điều, căn cứ trên thu nhập, khả năng, sức khỏe... Tui cà rởn: Chắc khi trả xong nợ nhà, chú mày phải đổi chỗ ở. Không anh, tui đâu có thích thay nhà.  Ý tui nói là chú mi không cần nhà nữa. Anh nói răng lạ rứa. Chơ chú mi cày kiểu nớ, năm năm nữa chú mi có còn sống mô mà ... ở!. Đồ Cù lần, phi thực tế, sống chi mà như ở trên mây trên gió!
Không, xin thưa: tui rất thực tế. Bạn nói đi cày để lo cho tương lai con cái, nhưng tui hỏi: Bạn không lo cho con ngay hiện tại, thì hỏi còn tương lai đâu mà lo với lắng! Bạn không chăm sóc cho vợ bạn, suốt ngày áp với phe, chơi đô vật, thì ông hàng xóm nghèo nghèo kia sẽ giúp bạn chăm cho vợ bạn ngay bây giờ đấy! Hôm nay, con bạn thích học võ, học đàn, học họa thì nên cho chúng đến lớp ngay, dù bạn phải mất thì giờ đưa đón, hay có khi phải ngồi chờ cho chúng học xong. Đừng bắt chúng chờ đến năm sau ba rảnh cái đã rồi ba đem đi học. Năm sau! có thể năm sau hay tháng sau, bạn có dọa đánh đi nữa chưa chắc chúng đã còn cái ham muốn tốt đẹp đó!
Ông toàn nói dốc, thế ông có bị đô vật không? Bị nó vật hoài, nhưng thường thì tui không bị bại. Bởi tui ngộ được hai chữ tự tại. Bởi tui biết nếu vật với đô thì tui chắc chắn là không thắng nổi, nên khi có rủng rẻng mấy đồng trong túi là tui nghĩ kế ... diệt hắn ngay. Ui chao! Ông Cù Lần nói dóc!
  

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Tào LaoThiên Hạ Sự

Từ ngày Phước Oai tiêu cục của giòng họ Lâm bị tàn sát, vì bị nghi giữ trong tay cuốn Quỳ Hoa bảo điển. Lâm Bình Chi tầm sư học đạo, tầm lộn sư, trúng ngay lão sư ngụy quân tử Nhạc Bất Quần, thù nhà không thể trả, lại lạy ngay kẻ thù làm thầy! Lâm Bình Chi vốn con nhà giàu đẹp trai học giỏi, nếu không có biến động gì trên giang hồ thì chắc sẽ trở thành một nam tử hán, theo chân cha hoằng dương được Phước oai tiêu cục. Ai dè sự đời, hễ cứ giữ trong tay của báu, thì thế nào cũng có thằng dòm ngó, sinh họa. Muốn trả được thù nhà thì phải tìm đúng thầy uống đúng thuốc...

Ngẫm đến chuyện nay, vừa qua tổng thống Ba Lan, cùng phái đoàn cấp cao của chính phủ, tất thảy bộ sậu hơn 90 người bị tai nạn máy bay trên đất Nga không ai thoát chết. Chuyến đi của các vị này bề ngoài là đến Nga để dự lễ tưởng niệm 22 ngàn sĩ quan cao cấp của Ba lan bị Stalin tàn sát mấy mươi năm về trước, Liên Sô đã không nhận sự thật này cho đến thập niên chín mươi Nga mới công nhận! Than ôi sự đời sao có sự trùng hợp kỳ lạ đến vậy! Bên trong có chuyện ngoắt ngoéo gì không!

Qua chuyện quê mình, mấy chục ngư dân Quảng Ngãi bị "tàu lạ" tấn công và bắt cóc, đến khi chúng đòi tiền chuộc thì lộ mặt là hải tặc rồi còn gì! Chính là mấy thằng Tàu khựa. Có tránh cũng không được, có kiêng húy cũng không xong. Chơi thì không dám, không đủ sức. Nín thì quá ức, nín thì không sớm thì muộn cũng phải xì ra.

Đến hội nghị ở Mỹ, về cái chuyện cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nghe đâu ông Tổng thống Obama trực tiếp mời thủ tướng nước ta sang dự, nhiều người nhạy cảm liên hệ đến cái chuyện vừa rồi nước ta mua tàu ngầm hiện đại, phải chăng có sự dàn xếp nào đó giữa Nga và Mỹ trong cái việc trang bị vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm nguyên tử Việt nam để không chế ảnh hưởng của ba cái thằng Tàu khựa xuống vùng Đông Nam Á!

Đọc lại Tiếu Ngạo Giang Hồ mà thương cho cái phận của Lâm Bình Chi! Phải chi tổ tiên giòng họ Lâm không cất cuốn Tịch tà kiếm phổ làm của gia bảo! Phải chi biển đông của chúng ta không có dầu!

Trong thời đại in-tẹc-net ni, Cù lần tui thiết nghĩ khi đi tầm sư cũng nên đường đường chính chính, có học môn võ công gì thì cũng nên nói cho dân nghe với, đừng nên dấu diếm như mèo dấu phân, học võ công để mà giúp dân giúp nước chứ không phải để trị dân vụ lợi.

Mong rằng đừng lạc theo vết xe đổ của anh chàng Lâm Bình Chi!

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Đừng tưởng bỡ "Made in USA"

Vừa rồi Cù lần tui đọc báo thấy có ba vị X, Y, Z người Mỹ gốc Việt giàu có, về Việt Nam mần ăn. Không biết ba vị đó mần kiễu chi, nghe đâu đưa hối lộ cho các quan chức, nên bị tố ra tòa, không phải tòa ở Việt Nam, mà tòa ở Mỹ, về cái tội đưa hối lộ cho quan chức nước ngoài! Nghe đâu ngồi gở lịch cũng khá lâu.
Rồi chuyện công ty rặc Mỹ bị ngân hàng thế giới cúp tiền, vì không cung cấp thông tin trung thực, để được trúng cái thầu chi đó ở nước mình.
Cù lần tui sống ở Mỹ này cũng chưa lâu, rùa rùa cũng đã trở thành công dân Mỹ, bổng thấy buồn buồn, xin kể lại cho quý blog -hữu nghe cái chuyện "made in USA" để cảnh giác.
Số là có một dạo Cù tui xin đi làm cu-ly, được nhận vô tập sự để đứng cái máy "pick-up and placement", tạm dịch là cánh tay máy bốc hốt, trong một hãng điện tử chuyên làm các bản mạch điện tử cho xe hơi. Cù tui may mắn được giới thiệu đến một anh chàng người Việt để anh này huấn luyện. Cù tui xin dài dòng một tí về cái dây chuyền sản xuất ni. Dây chuyền  gọi là micro-room. Gồm 5 máy với 5 người điều khiển, và khoảng chừng mười người, chuyên làm những công việc rất đơn giản là gắp những linh kiện mà máy không làm được đặt vào bản mạch. Đầu tiên là in bản mạch, sau đó đặt bản mạch vô máy, program máy, đặt linh kiện vô, a lê hốp, bấm nút máy chạy... bản mạch in ra. Tiếp theo là công việc gắp bỏ thêm bớt bằng tay. Đem vào lò hấp, ra thành phẩm. Việc kiểm tra sản phẩm rất chặt chẻ, như sau: mười bản mạch đầu là để điều chỉnh, bản số mười một, người đứng máy phải mang lên phòng kiểm tra trình, nếu được duyệt mới cho máy chạy hàng loạt, sau 1000 bản, phải đem lên kiểm tra lại một lần... Tương tự như thế cho quá trình hấp cho ra thành phẩm. Người kiểm tra là người có trình độ kỹ thuật cao, tinh thần trách nhiệm cao và tất nhiên lương cũng rất cao!
Thế thì yên cái tâm mà xài rồi, chứ còn chuyện chi mà bàn!
Thưa, nói vậy mà không phải vậy. Vì có cái anh chàng người Mỹ gốc Việt đứng đó! Anh chàng huấn luyện cho tôi, truyền cho ngay tuyệt chiêu quốc hồn quốc túy ngay từ buổi thực tập đầu tiên. Chú phải lanh, OK! Họ buộc mình phải điều chỉnh trên computer, up, down, right, left từng pixel, OK, chuyện này làm sau, 10 bản đầu tiên coi như bỏ, bản 11, chú cứ xài tay, dùng kẹp bằng tay mà chỉnh trên bản mẫu, nhớ đừng cho nó thấy! OK tuyệt! chạy tiếp, rồi từ từ hẳng chỉnh trên máy.
Úi chao ôi, rứa là từ bản đầu đến bản thứ n hắn cứ cho mất độ chính xác đến vô tội vạ! Tội thay cho những ai bốc nhằm chiếc xe có cái bản mạch ni hí!
Cù tui nhìn hắn chằm chằm, bái phục, bái phục... có trời mới biết!
Tui hỏi bà supervice, trung bình mỗi shift ra bao nhiêu bản mạch, bà nói độ 1500. Úi chao, rứa mà shift người Mỹ gốc Việt ra đến gần 5000! Có tăng lương không. Dứt khoát là không. Lương cho cu-ly ở Mỹ là riêng cho từng người, không ai biết mức lương của người khác. Tui là cu-ly mới, lại đang tập sự mà lương cao hơn anh chàng đứng máy đã làm việc hơn hai năm!
Cù tui hãi quá, bèn xin nghỉ khỏi hãng nọ.
Than ôi, cái "tài lanh" đi đâu cũng khó bỏ. Không biết anh chàng nọ đã bị mất việc chưa.Chứ cái hãng nọ thì từ dạo trầm kha kinh tế đã đóng cửa rồi!
Nhân đây xin cảnh giác các bác về cái mạc made in USA!

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010

Chuyện chim

Mùa lạnh về, loài chim di trú, một con chim không may gặp bão tuyết rơi xuống đám ruộng. Anh bò vàng đi ngang, vô tình tương ngay một bãi vào chỗ chim nằm. Nhờ hơi ấm của phân, chim từ từ tỉnh lại và cất tiếng hót. Mèo đang đói, nghe tiếng chim kêu vội kéo chim ra khỏi đống phân và xơi tái!

Bài học:
1) Kẻ vãi phân vào mặt mình chưa chắc là kẻ hại mình.
2) Kẻ kéo mình ra khỏi đống phân có khi là kẻ thù của mình.
3) Đã nằm trong đống phân rồi thì... cấm hót!
4) Kẻ tạp ăn thì dơ sạch không cần biết, đớp cái đã!

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Chuyện 1/4: trở về từ lỗ đen...

Mấy tuần rày, Cù lần tui bị hút vô một trong những lỗ đen của vũ trụ.

Nói có sách mách có chứng nhé: tọa độ lỗ đen ở hệ tọa độ 11 chiều, thân thể tui bé quá nên nếu nêu 11 cặp số với hàng tỉ tỉ số lẻ thì quý thân hữu thêm nhức đầu nhức mắt.
Cù tui đầu tiên thấy mình như không trọng lượng, bay lửng lơ rồi bị hút một cái rô-ộc vô, tui cảm thấy mình nặng dần cho đến khi nặng không dứt chân ra nỗi, tôi biến thành một mặt trời...

Tôi thấy ông tổ của loài người mới sinh ra, ngọng ngọng ngoẹo ngoẹo, tôi thấy Ngô Quyền đang đuổi giặc, Trần Hưng Đạo hét lớn và những thằng giặc tàu chạy rách cả quần. Tôi thấy những thằng đi đêm bán lương tâm, bán đất nước.Tôi thấy nhiều điều trái ngược với những điều tôi được học, bị nhồi..., lịch sử đã ghi... Tôi khóc, mặt trời tan chảy.

Tôi bò lê qua phía bên kia lỗ đen với tốc độ gấp đôi tốc độ ánh sáng, và thật may ....

Cù lần tui trở về đúng ngày 1 tháng tư để nói dốc cùng bạn bè thân hữu vài câu.

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Có những cuốn sách như thế

Mấy tuần rày, Cù tui như thằng cù lần thật sự. Bị ám ảnh bởi hai cuốn sách của Stephen Hawking: Lược sử thời gian, Vũ trụ trong một vỏ hạt.

Tác giả là một nhà vật lý thiên văn hiện đại nổi tiếng thế giới, ông cố gắng trình bày lý thuyết của ông một cách rất phổ thông để nhiều người có thể đọc hiểu.

Tôi lờ mờ hiểu được một tí đỉnh về lý thuyết này. Điều mà tôi hiểu rõ ràng nhất là cái bằng cử nhân toán và hơn hai mươi mấy năm vừa đi dạy vừa đọc sách toán của mình chỉ là i tờ tờ i ti, tôi nhận ra rất rõ ràng là mình quả thật còn rất ngu để hiểu được hai cuốn sách dành cho đối tượng phổ thông này!

Chỉ là lờ mờ, nhưng tôi cảm nhận thực thà rằng cái thân phận con người quả là quá ư là bụi cát. Trong cái vô cùng vô biên của vũ trụ lờ mờ ấy, kiếp kiếp con người quả thật quá là bé mọn.

Bổng dưng tôi khai ngộ được hai chữ TỰ TẠI, cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi không thể im lặng mà chiếm cái sự sung sướng này một mình, nên muốn cùng chia xẻ với quý blog-hữu.

Cẩn bút.
(Lại cù lần nữa rồi, link mô mà chia với xẻ! Link đây, trong link này có nhiều sách hay, nếu thích thì xin cứ tự nhiên down về để dành đọc chơi, nếu link này bị chết thì Cù tui sẽ E-mail tới tận thùng thơ, nếu quý blog-hữu yêu cầu)

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Hỏi và trả lời

Cù Lần tui đang ẹn-doi cuốn sách thiên văn, chưa đọc xong nhưng do quá thích nên xin chia xẻ cùng quý blog-hữu một chuyện thích thích sau đây từ cuốn sách:
-Chúa trời dựng nên trời đất trong bảy ngày, thế thì xin hỏi, trước ngày thứ nhất, ngài đã làm gì?
-Ngài đang bận xây hỏa ngục cho những ai có câu hỏi như trên !!!
Cù lần tui thấy có nhiều điều thật thú vị trong câu hỏi và trả lời trên: khởi thủy, tận cùng, thời gian...
thân phận con người, số phận của vũ trụ...
...
Úi chao ôi thằng cha này đúng là cù lần thật rồi, hắn đọc sách chi, enjoy sách chi, tác giả là ai, hắn chẳng nói. Tui bi chừ đang bị lạc vô vũ trụ vô cùng tận, dãn nở vô biên, vô số điểm kỳ dị, lỗ đen, phản hạt, phản vật chất, entropy... Úi chao, chắc phải đi học lại quá...

Đố quý blog-hữu cuốn sách đó tên gì ? của ai?

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Bé yêu ai

-Anh Hai thương ba nhiều hơn, vì ba chở anh Hai đi học mỗi ngày, hôm trước ba hù thằng Khựa mất vía nên nó không dám ăn hiếp anh Hai nữa...
-Chị Ba thương má nhiều hơn, vì má nấu cháo cho chị Ba ăn hôm chị bệnh, má còn dẫn chị Ba ra siêu thị mua đồ mới nữa...
-Còn Út thương ai nhiều hơn?
Chẳng trả lời, Út chạy lại ôm con cún lên hôn chùn chụt: tao thương mày nhất!

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

Ba và chị

Bé không thích hỏi ba khi gặp bài toán khó, vì ba già nên hơi lẩm cẩm, ba thường đọc lại phần lý thuyết cho bé nghe, cắt nghĩa những điều bé đã thuộc lòng, ba cho đó là điều rất quan trọng, rồi ba bắt bé đọc lại đề toán, ba chờ bé suy nghĩ, cho đến khi bé tìm được cách giải, ba đọc lại bài của bé, rồi cắt nghĩa lý thuyết. Chẳng bù với chị Hai, chị trẻ nên nhanh nhẹn, bé thích lắm, chị chỉ ngay cách giải, bé tìm ngay được đáp số.

Hôm nay chỉ có mẹ ở nhà. Hỏi mẹ, mẹ bảo chị Hai dạy con thế nào, cứ thế mà làm. Bé suy nghĩ mãi, chẳng nhớ chị dạy cái gì cho bé. Loay hoay một mình với bài toán khó chưa giải nỗi, bé bổng lật đọc lại phần lý thuyết…

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Hạt bụi nào...

Hôm nay thứ tư, người Công giáo gọi là thứ tư lễ Tro. Tôi đi lễ vào giờ đi làm nên xe khá đông, ai cũng vội, nhưng chẳng thấy ai dành đường vượt ẩu. Không thấy bóng anh cảnh sát nào, ở xứ này chẳng ai sợ cảnh sát nhưng không ai dám vi phạm luật giao thông...
Chỉ hiểu mang máng lời giảng của vị linh mục, ông cha giảng tiếng Mỹ bằng giọng Ba lan. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi...Câu hát ám ảnh tôi suốt buổi cầu kinh. Vị linh mục rải tro  lên trán cho mọi người, rồi  cũng ra tro... Hãy nhớ lấy, xác thân này rồi cũng ra tro... Tôi ít tin vào thiên đàng hỏa ngục... Kiếp người, liệu có kiếp gì gì không, tôi cũng ít tin. Tội nghiệp cho tôi...
Hôm nay tôi được nghỉ. Nên có một ngày như thế, dành thời gian mài lại lưỡi rìu để ngày mai đi đốn củi, dù rìu tôi mòn vẹt cả rồi ... Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, tôi không rõ, không biết, nhưng chắc một điều là... một mai tôi về làm cát bụi. Sao lại về? chắc một điều là tôi sẽ thành tro... 

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Đổi mới... khó thật

Nghe chưa tin, đọc chưa tin, nhìn thấy chưa tin, phải dùng rồi mới ... tin. Đó là cái chuyện về computer của Cù lần tui!
 Đã nghe quảng cáo trên TV, đã đọc trên các web của MS và các web trong nước, đã ra tận cửa hàng bán máy computer lớn nhất nước Mỹ để thử cái win7 mà vẫn chưa tin, dù win 7 đã cho bản thử miễn phí hơn năm  rồi, nay Cù lần tui mới dám dùng... cũng chỉ dám thử trên cái computer rờ dẹc! Thấy máy chạy trên win 7 tốt hơn XP và Vista nhiều nhưng vẫn chưa dám chắc. Thằng cháu trai học lớp tám ở sát bên nhà chạy qua hỏi,- Dượng có win 7 à. -Ừ, dượng đang có đây. -Có legal không? -Ầm, ừ hợp pháp...-Cài cho máy cháu đi! -OK. -Hoan hô dượng, máy cháu chừ chạy nhanh hơn hẳn, sao dượng không cài cho notebook của dượng?- Ầm, ừ, để dượng coi...  
Rồi bữa lần bữa lửa, cứ giữ cái Vista cho đến gần cả tháng nay mà vẫn chưa muốn thay! Tất nhiên cái giá phải trả cho tốc độ nhanh hơn là phải cài đật lại một số đồ chơi thích ý, đôi khi phải bỏ mất nó đi!
Vợ Cù Lần đưng ghé sau vai đọc: chuyện có vậy mà cũng bày đặt chia với xẻ! Ừ có vậy thôi, chuyện rất nhỏ mà thấy khó thay đổi vậy, huống hồ chuyện to. Có chuyện ai cũng thấy sai bét nhè ra rồi, mà cứ mặc kệ. Trách ông Trời... Hu, hu. 

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Tết chừ


Rào trước: Đây là chuyện tết của nhà tui bây chừ, rất riêng...không dám bàn thiên hạ sự ở đất kỳ hoa này vì... không muốn nghe...chửi.
Trước hết là chuẩn bị tiền, không phải để mua sắm tết mà để gởi về cho ông bà cụ thêm tí đỉnh cho tuổi già ông bà thêm vui trong mấy ngày tết vắng bóng thằng con lãng tử mấy chục năm nay ... Cũng may là Cù lần tui có bà vợ thảo, nên khoản này không cần dấu diếm. Không dấu diếm nên cả hai vợ chồng phải ngưng lại vài khoản chi tiêu, gọi là tiết kiệm. Cũng may là nhờ trời thương, nhà làm ăn còn có đồng ra đồng vô, chứ trong thời kinh tế khó khăn ni, ở Mỹ cũng đành ngậm ngùi thương nhớ, thôi thì cứ rán, được lúc nào tốt lúc đó, cho thì tốt hơn nhận...
Tết bên ni, tức là tết Việt ở Mỹ, thường đến sớm, có khi sớm hơn cả hai tuần, không phải là do lịch âm ở Mỹ khác với lịch âm ở Việt (tui nhớ có năm Việt Nam ăn tết trước Tàu cả tháng, các học giả giải thích đủ lý do), mà vì ở đây có rất nhiều tổ chức cộng đồng người Việt, tổ chức nào cũng tổ chức tết: hội chợ tết Việt, tết về nguồn, du xuân... hằm bà lằng xá cấu. Nên phải chia nhau ra, anh trước anh sau, chắc là có bắt thăm thỏa thuận.
Dù trước hay sau thì hội chợ tết vẫn na ná như nhau: khai mạc, dựng nêu, thi hoa hậu phường, trai thanh gái lịch, trẻ em cháu Lạc con Hồng, múa lân, biểu diễn võ thuật, các món ăn Việt, mời các ca sĩ về hát và hét để các ông bà sồn sồn lên nhảy gọi là dạ vũ...Người tham dự một trăm phần trăm là người Việt. Bầu xô vụ này thu cũng khá, nhưng thường nghe là để ủng hộ chỗ này chỗ nọ, xây dựng đâu đó... Người Việt muôn năm, ở đâu cũng vô tư, tất cả cho cộng đồng...
Đến ngày mồng một không khí tết chỉ thấy ở khu chợ Việt qua các đám múa lân. Cảnh sát đứng xa xa giữ trật tự cho đoàn lân biểu diễn. Thường thì chỉ trong buổi sáng là hết. Tui may mắn mần việc sát nhà hàng Tàu, ông chủ người Tàu chợ lớn, nên tết nào cũng hưởng xái coi múa lân và biểu diễn võ tàu ... chùa! Nói như vậy có nghĩa là tết tui cũng đi làm, tất nhiên rồi! Không đi mần thì coi chừng mất việc. Tết là tết của chú, chẳng là cái đinh gì đối với tui mũi lõ cả! ừ thì tui thấy cũng hay hay, như chú đi coi lễ hội của các dân tộc thiểu số bên quê chú!
Bác Ba hỏi tui đã có mai chưng tết chưa, mai bên ni thì loạn, chỉ có điều hơi bị cao giá, mà đa số là mai chậu, mai bonsai, ở hội chợ người ta đem rao bán cũng nhiều. Nhưng chưa thấy cành mai như ở quê tui.
Mạ tui gọi điện hỏi, nhà con có nấu bánh chưng không? Dạ chỉ cần bốc phôn lên gọi một tám trăm bánh chưng là tha hồ đặt: bánh chưng, bánh tét, bánh ít trắng, bánh ít lá gai. .. Năm ngoái nhà tui đặt một trăm bánh ít, mà ăn cả năm không hết! gọi là lá gai cho sang! Chơ kiếm mô ra lá gai thiệt, tất phải dùng màu rồi! Bánh chưng thì đựng trong hộp giấy chuông mèn sắc cạnh, trong bọc giấy nhôm, buộc bằng dây plastic, trong cùng mới áo một lớp lá chuối, tôi không biết có nên đặt tên lại cho loại bánh này không!
Có cúng giao thừa không cậu ? Cháu tui  chát hỏi vô tư. Tui chế bình trà ngồi một minh, con cái ngày mai đi học phải ngủ sớm, vợ rán ngồi với tui một chặp rồi buông, có chi khác mô mà chờ, đêm mô anh cũng thức quá nửa đêm mà!
Dù sao đi nữa khi tết đến, tôi vẫn thấy cái gì đó khang khác, điều gì đó mới mẻ lan tỏa trong tôi, khiến tôi yêu đời hơn, cù lần hơn. Tôi muốn truyền điều đó đến con cái của mình dù tôi đang ở trên đất Mỹ. ... Tập quán Việt  đã ở trong gen của tôi, sẽ được di truyền ...
Chúc quý blog-hữu năm mới vạn sự như ý.

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

Cổ tích: Có một cái tết như thế...

Năm đó là năm 1986, sau khi thu hết các khoản lương, thừa giờ… để gởi cho thằng em đang học đại học ở Sài gòn có tiền xe về quê ăn tết, tôi đành phải hát bài xuân này con không về cùng với hai ông tướng, chúng tôi ở lại trường … chịu tết!
Tôi nói hai ông tướng vì, ông thứ nhất là Phát, chàng thanh niên hăm mốt hăm hai gì đó, đang trốn nghĩa vụ quân sự, từ Đà nẵng lên xứ núi rừng này để ẩn tích. Ông thứ hai là tay Quyền phó hiệu trưởng, quê ở Bắc, dường như không còn cha mẹ, nên cũng không có nơi để mà về.
Đắc tô hồi đó là huyện vùng sâu của tỉnh Gia lai Kontum, thị trấn Tân Cảnh là thị trấn duy nhất của huyện, trường cấp ba gồm sáu lớp, học sinh đến từ ba xã: Diên Bình, Tân Cảnh và một xã nữa tôi quên mất tên. Trường cấp ba này cũng là nơi “đi đày” của một số thầy cô cứng cổ… Ngôi trường khá khang trang, nghe đâu được tài trợ của quỹ giáo dục liên hiệp quốc. Trường nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ phía đầu thị trấn, muốn đến quán cà phê gần nhất cũng mất hơn nửa tiếng đi bộ, đồi bên cạnh là trạm dự báo thời tiết. Từ trường nhìn về phía tây, có thể thấy rất rõ ngọn đồi có căn cứ Charlie, nổi tiếng thời chiến tranh với bài hát: anh hởi anh, ở lại Charlie
Chiều ba mươi tết, ba thằng người, ba hoàn cảnh, đành phải hợp nhất thành chúng tôi! Tôi gọi tay Quyền hiệu phó và hỏi thật là nhà trường để lại cho mày bao nhiêu tiền chi  tết, hắn bảo thật, chỉ đủ mua hai cân thịt lợn! Tôi gằn: lý do? Hắn nhăn răng: tay hiệu trưởng mượn quỹ về quê hết rồi! Ngao ngán, ba chúng tôi, tiền trong túi chỉ đủ mua hai cân thịt lợn, thất thểu đi phiên chợ chiều cuối năm, một ký thịt heo, vài bắp cải, hành ngò, bánh tráng, thực đơn đón giao thừa theo đề nghị của cu Phát, một phong pháo chuột, hồi đó chưa cấm đốt pháo, hết tiền mua rượu. Bốn giờ chiều ba mươi, tôi vào xí nghiệp dược chuyên sản xuất rượu tắc kè … xin rượu, cô nhân viên giọng Huế rặc thương tình cho luôn một can hai mươi lít rượu mía phế phẩm. Trên đường về trường, reo mừng chiến thắng, Phát đốt luôn phong pháo chuột!
Tám giờ tối ba thằng người bắt đầu say, chúng tôi hú qua đồi bên cạnh, trạm dự báo thời tiết, tiếng hú thảm như tiếng chó tru, tôi nghe tiếng hú trả lời giọng nữ, tôi nhớ mang máng là có hai cô nhân viên khí tương quê ở bắc qua cùng đón giao thừa …
Tôi tỉnh lại khi nghe tiếng xe hơi nổ dưới chân đồi, tôi thấy mình đang nằm ngoài hành lang dãy phòng học, Phát đang quấn mền và cây ghita nằm ngoài trời gần cột cờ, còn Quyền thì còng queo ngay trước cửa phòng ngủ của hắn, nơi chúng tôi đón giao thừa đêm qua!
Hồi đó thần kinh tôi khá tốt, tôi tự hỏi xe ai đang lên trường? Sao mình lại nằm ở đây? Tỉnh dần tôi mới nhớ hôm nay mồng một đầu năm…
Tôi tiếp bà phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã và chồng bà, bí thư thị trấn, trong phòng tập thể giáo viên, phòng của tôi: một chiếc giường gổ, tấm chiếu và cái mền mỏng tanh. Trên tường tôi vốn tính hay tếu, treo mấy lát gổ thô nhám ghi chữ: BÁNH CHƯNG, RƯỢU, MỨT… để đón tết.
Gọi là bà phó chủ tịch nhưng bà ấy nhỏ tuổi hơn tôi, cả hai vợ chồng, áo mũ tề chỉnh lắm, dự định lên chúc tết nhà trường, nhưng cả hai nín lặng, tôi đọc trong mắt bà dường như có đọng nước … Cả ba người chẳng ai nói về tết, chẳng ai dám nói…
Tay Quyền phó hiệu trưởng không biết đã tỉnh chưa, trốn biệt không vào. Ngượng ngập hay thương hại, hai người chào tôi ra về.
Tôi đi tìm Phát và Quyền, chúng còn mơ mơ, tôi bảo phải dọn phòng, thế nào cũng có tin vui trong giờ tuyệt vọng. Cả hai đứa đều không tin, nhưng cuối cùng chiến trường cũng được thu dọn, một cành thông cắt vội được dựng trong chiếc bình hoa cỡ lớn đặt trên bàn. Không trà, không thuốc, cái phích nước duy nhất của phòng hiệu trưởng chỉ có nước sôi…
Hơn một giờ sau, chúng tôi nghe tiếng xe nổ, lần này dường như không phải một chiếc. Cả chủ tịch lẩn phó chủ tịch huyện đều đến thăm. Vì tò mò, vì thương hại, tôi không rõ, nhưng quà tết muộn đã đến. Tôi cười khan với Phát: Sẽ có nhiều tin vui nữa, sau giờ no bụng…
Dù sao đi nữa cũng là con người với nhau giữa mùa xuân.
Chuyện tôi nhớ, có thể không còn chính xác, nhưng không hề hư cấu. Có thể đó đã là chuyện cổ tích của các thầy. Mong rằng chỉ là cổ tích, mãi mãi là cổ tích.

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Nịnh vợ

Sáng nay ngồi uống trà với vợ, trời lạnh đến một độ C. Một lớp băng mỏng đè trên đám cỏ sau nhà, đám cỏ bắt đầu úa. Trong nhà phải mở máy heat, lỗ mũi mình bắt đầu muốn trở chứng, hắt xì. Con chó nhỏ vẫn cứ muốn ngồi nán trên đùi mình để lấy hơi.


Bổng vợ nói,

- Anh nhỉ có lẻ mấy nhà bác học chẳng mấy ai để ý đến chuyện giàu nghèo há.

- Ừ, và người đương thời thường nói họ khùng khùng.

- Hồi đó chắc người ta bảo chúa Giê su là anh chàng điên…

- Phật Thích ca cũng khùng khùng, khi không có vợ đẹp con ngoan, lầu đài, chức tước lại bỏ ngang…

- Người đời sau mới hiểu.

- Cũng lắm người không ai hiểu thấu và bị quên lãng…

- Thế anh có muốn làm người khùng khùng không?

- Anh chẳng muốn được ai tôn sùng vào đời sau, nên ngu chi mà khùng khùng…

- Thế anh có muốn làm giàu không?

- Anh đã quá giàu rồi vì có em…

- Hì hì, đồ nịnh.

Băng tan, mặt trời lên nhưng vẫn còn lạnh lắm. Con gái út đã chuẩn bị xong chờ ba chở đến trường. Dù sao, “dẫu có cái hư vô” thì vẫn phải đi cày…

Tìm trong blog