Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Tháng Tám


Tháng Tám - mưa buồn héo ruột
Đọc lại sử thấy lộn tùng phèo
Đâu giả dối, đâu sự thật
Mới mấy chục năm mà đã lộn lèo!

"Ta ngắt đi ...mùa thu đã chết rồi"
"Không, thu còn đó... thu còn đó"
Ông này chê ông kia ngắn mỏ
Thu còn - thu mất cũng vậy thôi!
...
Thánh Gióng xưa ăn mấy nồi cơm
Xong vùng dậy cầm roi đuổi giặc (chuyện thật!)
Nay có người nuốt luôn cả tàu bạc
Ngọng miệng rồi, tệ hơn cả thằng bờm! (chuyện đùa)
...
Sau mùa thu là mùa đông
Lá vàng phải rơi và cành khô phải gãy
Xuân sẽ về với hoa tươi lộc nẫy
Chả cần biết lịch sử có ghi  không!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Đám cưới Việt ở Mỹ

Giữ được truyền thống Việt ở đất Mỹ là một điều rất khó và vì thế rất quý và đáng trân trọng. Cưới hỏi, lễ tết, hội hè ... của người Việt trên xứ Mỹ mà vẫn rất Việt là một niềm tự hào. Ở đây Cù tui chỉ khoanh vùng lạm bàn về chuyện đám cưới. Vốn ở chưa lâu, (mười năm rồi còn gì!) quen biết không rộng, nên cũng ít khi dự đám cưới người ngoài, Cù tui chỉ dự vài đám của người thân. Nhưng nghe và đọc thì nhiều nên cũng có thể có cái nhìn chung.
Buổi sáng là lễ gia tiên, đàng trai đem lễ vật tới nhà gái xin rước dâu. Lễ vật cũng đầy đủ như ở quê nhà, trầu cau, trà rượu, heo quay, nữ trang, hoa hòe, xe lemousin dài xọc. .. Nhà gái nhận lễ, lên đèn kính cáo tổ tiên, hôm nay con gái về nhà chồng, giới thiệu bà con hai họ, gia đinh đàng gái trao quà.... Sau đó dâu đưa về nhà trai. Tương văn tự, nhà trai cũng đèn lên, cũng kính báo tổ tiên nhà có cô dâu mới, giới thiệu bà con hai họ, họ hàng bên trai tặng quà...Sau đó ăn trưa.
Buổi chiều là lễ hôn phối tại nhà thờ. Bí tích hôn phối thì mọi nơi đều giống nhau, chỉ có hơi khác một tí là có khi linh mục phải nói hai thứ tiếng để cho người trẻ kẻ già đều hiểu được lời Chúa. Tan lễ, mọi người về nhà đề ... chuẩn bị dự tiệc tối.
Tiệc đám cưới thường đặt ở nhà hàng. Cô dâu chú rể ra cửa đứng chào khách, cùng khách chụp hình lưu niệm, hình này được giao ngay cho khách cùng với thiệp cám ơn. Ăn thì không giới hạn, nhưng uống thì chỉ có chừng, vì còn phải lái xe về nhà.
Một ngày đám cưới bận rộn nhưng hạnh phúc của cả hai gia đình, bà con thân thuộc.
Tuyệt vời, thế thì có chi để mà ... cù đâu! Chuyện là như thế này:
Cù tui xưa nay vẫn cứ trở trăn về cái việc Lễ gia tiên, lễ gia tiên theo tui là nếu có thì phải tổ chức sau lễ hôn phối ở nhà thờ, đây là cái logic: bí tích hôn phối chưa lập thì chưa là vợ chồng. Nội dung của lễ gia tiên, theo cù tui cần nghiêm trang nhưng ngắn gọn, nên chăng bỏ đi cái vụ rót rượu, rót trà, lạy ra mắt người lớn... Nghi lễ nên nói ít mà thấm nhiều. Cù tui có lần về quê dự đám cưới em gái, ba tui và ông trưởng họ, nhận lễ xin dâu, lên đèn và khấn vái lâm râm, tui hỏi ba tui sao ông trưởng họ không nói gì thế, ba tui trả lời:nói với người quá cố, đâu cần nói to! Phần giới thiệu bà con cũng nên ngắn gọn, thân mật. Hôm rồi, Cù tui dự đám cưới đứa cháu bên vợ, ông anh lớn nổi hứng giới thiệu luôn cả các bức hình trên bàn thờ!
Chuyện tiệc tối: "không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải VN". Thiệp mời ghi tiệc bắt đầu từ bảy giờ, bạn cứ yên trí, đi ăn tối trước đi để dằn bụng cái đã! Chín giờ mới bắt đầu. MC cáo đi, cáo lại với đủ 1001 lý do! Cái bệnh trầm kha, văn hóa nông dân của người mình thật khó bỏ! Cù tui đọc trên báo mục "chuyện lạ có thật", nhà nọ mời đám cưới phải kèm thêm tấm thiệp với giòng chữ : "Nếu quý khách thương hai cháu xin đến đúng giờ"! Nhà hàng Việt Nam bên này cũng dễ chịu và vì cạnh tranh quá... nên cũng đành chìu! Rồi khách mời, vẫn giữ quan niệm đám cưới lớn là đám cưới đông khách nên có rất nhiều khách là kẻ bị mời! Kể chuyện với người Mỹ về lượng khách trong đám cưới, ai cũng lắc đầu lè lưỡi! Có nhữngkhách mà cả hai gia đình cô dâu chú rể không nhận ra ... là ai!
Quà cưới thường không là vấn đề như ở bên quê, thân sơ tùy cảnh, tùy tình. Nhưng tế nhị là ai cũng nghĩ phải bù đủ phần tiệc cho cô dâu chú rễ. Người Mỹ thường thì cho quà cưới mà không cho tiền. Cô dâu chú rể Mỹ thường lên một cái list và gởi luôn ở cửa hàng bán tặng phẩm cưới, khách mời có thể xem để mua tặng cho khỏi bị trùng lặp.
Dzô, dzô... âm thanh quen thuộc này vẫn luôn vang lớn trong tiệc cưới, dù có đi mô đi nữa!
Nhạc thì ồn, khách có gan thì lên liều một bản tặng cô dâu chú rể, chúc trăm năm hạnh phúc. Chẳng bù đám cưới Mỹ thường chỉ chơi nhạc cổ điển nhẹ nhàng!
Chuyện các chú camera: anh là phóng viên, anh có nhiệm vụ ghi hình quay phim cái sự cưới hỏi của tui, tui nhờ anh quay phim đám cưới của tui chứ không phải là đám cưới để quay phim! Thế nhưng cũng như bên nhà, lắm anh nhiếp ảnh muốn làm đạo diễn, yêu cầu mần đi, mần lại để quay phim, mần nghi lễ theo ý nhà đạo thị diễn này! Thế mà hai họ đều xin vâng!...
Cù tui tạm ngưng cù cái đã, bữa sau có dịp kể và cù tiếp.




Tìm trong blog