Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Đền âm hồn

Ngày xưa còn bé ở làng, lũ trẻ chúng tôi nghịch phá khắp nơi nhưng đền âm hồn là chỗ mà bọn chúng tôi không đứa nào dám bén mãng đến.
Đền ở cuối làng, tiếp giáp với đường Bạn, con đường đất nối qua làng khác và dẫn lên rú cát, nghĩa địa. Gọi là đền, nhưng chỉ là một nền đất cao hơn mặt ruộng, lát gạch, xung quanh xây bờ tường thấp. Bên trong chỉ là cái bệ thờ đơn sơ, trơ trọi. Bở tường và nền gạch không biết làm tự đời nào, rêu mốc đen sì, nứt nẻ, cỏ mọc lan đầy. Gần đền có một cái giếng đất, cũng có tên là giếng âm hồn. Chắc hồi trước người ta đào lấy đất ở đây để đắp nền đền rồi thành giếng. Một cây sanh, loại cây cổ thụ, không biết được trồng tự thủa nào, quắt queo không cao lên nổi. Đền ở cuối làng, ngoài lũy tre bao, nên càng tăng thêm cái vẻ lạnh lùng.
Theo tôi được biết, đền là nơi dung thân của những oan hồn, cô hồn không người thờ cúng. Những cô hồn này không vào làng được bởi ông Thành Hoàng giữ làng không cho phép. Thỉnh thoảng có cơ hội, vài vị vào quậy phá đòi ăn, bắt ốm người này, người khác. Thân nhân người bệnh phải ra đền cúng bái xin tha. Thủa bé, vào dịp tết tôi thường theo ông bà đi cúng đền. Tôi không còn nhớ mâm cổ gồm những gì, nhưng chắc chắn là có áo, cháo, nổ. Áo là áo giấy hàng mã, cháo loảng, và hạt nếp rang nổ. Chờ tàn cây nhang, người ta đốt áo, đổ cháo và rắc nổ ra nền. Rời khỏi đền tôi luôn dành đi trước nhưng vẫn có cái cảm giác lành lạnh sau gáy.
Dân làng tôi hồi đó làm ruộng hai vụ, vụ chính gọi là vụ mùa, vụ phụ gọi là vụ trái. Vụ trái chỉ trồng lúa được trên những vạt ruộng thấp, vì thiếu nước. Ông nội tôi kể, một đêm vào vụ trái, ông cùng bà đi tát nước khuya cho mảnh ruộng gần đền âm hồn. Bà quay lưng vào đền nên không để ý, ông quay mặt về phía đền nên thấy có người trong đền, đang lên nhang đèn cúng bái. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nghĩ là người làng chắc có ai đau ốm, đang khấn xin. Sáng mai, ông đi hỏi dò trong thôn xem hôm qua có ai ra đền âm hồn không, thì tuyệt không. Tò mò, ông ra nền đền xem, thì không có dấu tích của một cuộc cúng bái đêm qua, không tàn nhang, không tro ... cây cỏ vẫn im lìm, không có dấu chân người. Ông anh họ tôi thì quả quyết đẫ từng thấy ma cụt đầu theo cơn gió xoáy bay từ đền qua đường bạn lên rú cát!
Tôi trở về làng sau chiến tranh, chỉ làm một vụ lúa trái, lại rời xa. Học hành, dạy dỗ. Lang thang nhiều nơi. Thành phố có, núi rừng có, xứ biển có, trong nước rồi ngoài nước. Mơ hồ rất mơ hồ, hình ảnh đền âm hồn lại hiện về trong tôi vào những ngày cuối tháng chạp... Một chút liêu trai, tôi tự hỏi, về đâu những cô hồn xưa, nay có còn nơi nương tựa? Đền âm hồn vẫn còn đó, nhưng điện đã về sáng khắp làng, điện thoại, internet nhiều người có. Chẳng còn ai khấn vái lúc đau ốm. Về đâu hởi những cô hồn trong cơn giá lạnh cuối năm...

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Nương Lăng

Làng tôi đất hẹp người đông nên nhiều bạn trẻ khi ra riêng phải lên làm nhà trên xóm cát. Có một nương trống giữa làng nhưng không ai dám làm nhà ở, đó là nương Lăng.
Làng tôi có ruộng và nương. Ruộng: đất thấp trồng lúa, nương: đất cao làm nhà, trồng cây. Nương của mỗi nhà thường là một sào ta, chừng ba trăm mét vuông. Trước đây nhà nào cũng có ruồng tre bao quanh, sau năm bảy lăm, phần vì bom đạn phá hủy phần vì cần cái ăn: hột lúa, nên đa số tre bị phá để trồng lúa. Cả làng dường như chẳng còn cây ăn quả, ruông bao quanh nhà, ruộng vào tận mái hiên! Bây giờ khá hơn, nhiều nhà lại lấp ruộng làm nương, làng tôi bắt đầu có cây ăn trái, tre mọc trở lại.
Nương Lăng vẫn là vạt đất trống, làng cho đấu để trồng màu. Tương truyền đã có người bạo gan làn nhà ở trên nương này nhưng nhà phát hỏa, nên sau đó không ai dám nữa!
Theo bà nội tôi kể, thì nương Lăng xưa là mộ của ông Giám trong họ tôi, ông làm quan giám trong triều, bà cũng không biết quan giám là quan gì nhưng bà bảo là quan to lắm, ông chọn huyệt đất cho ông trước khi qua đời. Nghe đâu bốn góc của khu đất ông cho chôn bốn con mọi sống! Không biết con mọi có phải người Chiêm xưa không?. Chính hồn bốn trinh nữ này là thần canh khu mộ trung thành. Họ Nguyễn Đình tôi nghe đâu thời đó có nhiều người làm quan to lắm. Do ngôi mộ này kết! Họ sang làng mạt, vì vậy người làng ganh ghét người trong họ Nguyễn. Lại có truyền thuyết cho rằng làng có tranh chấp với làng trên về ranh giới, dân làng cậy có người đang làm quan trong triều nên đệ đơn kiện, không ngờ vị quan mang họ Nguyễn không thiên vị, nên làng đâm giận người họ Nguyễn! Chuyện này không biết có không, nhưng bây giờ có vạt ruộng trong làng mang tên Lập Tụng, và chuyện tranh chấp ranh giới giữa làng tôi với làng trên vẫn còn!
Trong làng phao lên tin là ngôi mộ ông Giám bị động, nếu không dời thì con cháu trong họ sẽ gặp chuyện không lành. Họ đi coi bói, Thầy bói trong vùng đều bị làng mua nên mười thầy đều nói về một quẻ: mộ động phải dời!
Bà tôi kể, khi đào mộ lên, xác ông Giám vẫn còn nguyên vẹn, chỉ tan thành nước khi mặt trời chiếu vô. Gấm, nhiễu, sô, sa chôn theo ông, người ta lầy lên phơi thành một sào dài dọc đường làng! Bà tôi có giữ được một đoạn vải, người ta bảo dùng may áo cho con nít mặc để tránh ma! Mộ được dời ra phía sau cát, trên mộ có làm miếu thờ, gọi là miếu ông Giám, miếu này ông thân sinh tôi có thấy, nhưng sau năm bốn lăm thì bị đập phá.
Tương truyền sau khi dời mộ, người họ Nguyễn vẫn cứ còn làm quan, Làng đi coi thầy địa lý, rồi cho đào một giếng nhỏ để cắt long mạch, giếng này có tên là giếng Họ, nước giếng này luôn có màu đỏ, người ta bào long mạch bị đứt. Từ đó họ tôi hết người làm quan.
Giếng Họ có thật, chính tôi đã thấy. Chắc bây giờ cũng không còn. Miếu thờ ông Giám cũng có thật, ông thân sinh tôi thấy, bây giờ cũng không còn. Ông quan Giám là ai, quan gì? Gia phả họ tôi trong chiến tranh cháy mất, chỉ ghi đến đời ông cụ cố (vãy) của tôi. Có mộ kết để con cháu làm quan không là điều không thể biết. Con cháu họ Nguyễn bây giờ người làm to nhất là đến chức hiệu trưởng trương làng! Nương Lăng vẫn còn đó, vẫn không ai dám làm nhà ở.

Tìm trong blog