Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Vẫn còn ông già Noel

Hàng năm khi mùa noel về, nhà tôi thường mua quà tặng cho con cháu. Hồi chúng còn bé thì tất cả là từ ông già Noel. Bây giờ chúng lớn cả, quà tặng thì vẫn tặng, nhưng đơn giản hơn: gift card. Hỏi chúng xem thích loại nào, năm phút chọn, thế là xong. Gọn nhưng không vui bằng đi long vòng mua quà rồi gói, rồi dấu để làm cho các cháu bất ngờ...
Hôm kia, con gái lớn của tôi bổng lân la bên tôi thỏ thẻ: - Ba ơi, con vẫn còn tin ông già Noel...
Tôi đùa: - Tốt hơn con nên nói điều này với bà gia Noel!
 Nhưng rồi cầm lòng không đặng, tôi cũng phải lặng lẽ làm ông già Noel cho con gái hai mươi tuổi: Một cái túi xách louisvuitton, hàng hiệu.Chắc con gái lớn sẽ rất vui. 
Mong đến một mùa Noel nào đó, tôi sẽ nói với con gái: - Bây giờ thì ba vẫn cứ tin có ông già Noel...

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Noel


 Nhân mùa Noel và năm mới về, Thanh Cù Lần kính cúc quý blog-hữu Giáng Sinh an lành, năm mới hạnh phúc

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Đường mòn



















Bạn chắc đồng ý với tôi rằng: Ngày xưa trên mặt đất vốn chưa có đường, đường có là do có cái gì đó, bàn chân chẳng hạn, cọ xát với mặt đất mà ra. (Chân lý rồi, rõ gàn!).Với toán phẳng thì đường thẳng là đường ngắn nhất nối hai điểm trong mặt phẳng. Hì hì nhớ rằng chỉ trong mặt phẳng mà thôi nhé! Mà thực thì làm gì kiếm ra mặt phẳng để có cái kiễu đường như thế trên mặt đất.Phải dùng toán trên mặt cầu: cung ngắn nhất nối hai điểm trên mặt cầu là cung tạo bởi đường tròn có tâm là tâm mặt cầu và đi qua hai điểm đó. Nhức óc và khó ... nghe. Thôi thì cứ bước đại, bước đại. Bước hoài rồi thành đương mòn.
Đã mòn rồi thì khó mòn chỗ khác! Thấy mòn lối khác thì sinh khó chịu. Khó chịu sinh buộc người khác phải đi theo lối cũ. Và lối mòn xưa vẫn cứ lối mòn xưa! Trong một không gian hẹp thì lối mòn là hữu hạn, thậm chí có khi duy nhất! Người ta không có quyền, và dẫu có quyền đi nữa thì chũng chỉ có một cách chọn duy nhất! Ở không gian mở rộng hơn, thì có rất nhiều lối cho mình chọn, có khi đường dài, nhưng tốn ít thới gian vì không có đèn đỏ! (Ở ta thì chuyện vượt đèn đỏ là chuyện nhỏ, miễn không có mấy chú CSGT!), Có khi tốn thời gian nhưng có lợi, vì được ngắm cảnh đẹp, hưởng không khí trong lành. Vân vân và vân vân vân. Nhưng thật là khó thuyết phục cho mọi người hay rằng là thật sự có một không gian như thế hiện hữu thực sự trên cõi này! Nên người ta, cả tôi vẫn cứ nô lệ mãi con đường đã quá mòn...
Mong một ngày nào đó, trí mình sẽ mở để nhận ra: Ồ! Thật quả có nhiều con đường...

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Lan man chuyện sau ngày 20 tháng 11


Đọc trên blog của La Thụy bài Mái ấm Nguyễn Hoàng của thầy Trần Kim Đoàn có đoạn:
Mỹ lại chọn Ngày thứ Ba của tuần đầu tiên đủ 7 ngày (full week) trong tháng Năm làm Ngày Nhà Giáo hàng năm. Như năm nay thì Ngày Nhà Giáo Mỹ rơi vào ngày 3-5-2011. Theo tạp chí nổi tiếng Forbes thì khoảng từ 3 đến 5 nghìn học sinh, sinh viên Mỹ mới có một đứa biết Ngày Nhà Giáo (The Teachers’ Day)!
Tôi bổng lan man lan man về cái sự ngày 20 tháng 11:
- Hồi tôi đi dạy ở một trường cấp ba vùng cao, ngày 20 tháng 11 nhà trường được phân phối mấy lạng trà, anh Chiến công đoàn ra cửa hàng công nghệ phẩm mua trà cho anh em, chìa giáy giới thiệu cho cô nhân viên bán hàng, cô cắm cúi đọc một hồi rồi hỏi: -Ngày 20 tháng 11 là ngày gì mà nhà trường được phân phối trà? Anh Chiến (vốn hay nói lặp khi nổi giận) - Thế thì... vô phúc cho cả gia đình cô quá! Thế thì... Cô bán hàng trừng mắt nạt: - Cái ông này, không biết thì tôi hỏi, cần phải rõ trước khi xuất... Anh Chiến bộp luôn: - Thế thì...,thế thì cả gia đình cô từ bé đến nhớn chẳng ai đi học cả nhỉ!!
- Hồi tôi đi dạy ở một trường cấp ba vùng gần biển, hội phụ huynh học sinh nhà trường một năm bầu bán một lần với một nhiệm vụ duy nhất là chuẩn bị quà 20 tháng 11 cho thầy cô!...

Chuyện hay cũng nhiều mà chuyện dở cũng lắm. Nhưng nhìn tổng thể, tờ...àn diện thì vẫn còn mừng vì người mình trong thăm thẳm cõi lòng còn tôn sư trọng đạo... không như ở Mỹ kia chỉ có 1/5000 học trò biết ngày Nhà Giáo!
Con gái út tui dù ở Mỹ nhưng hàng năm đầu năm học mới đều đến thăm các thầy cô giáo cũ. Đến thăm với tâm tình nhẹ nhàng không lo lắng về chuyện mang vác quà cáp... Đến để chỉ chào cô thầy một tiếng (say hi)thôi.
E rằng nhìn các cháu học sinh Mỹ dưới con mắt ông giáo già Việt như tôi có lẻ không công bằng!

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Slide.com đóng cửa

"Slide.com will be shutting down on March 6th 2012. As part of the shutdown we have disabled the ability to create new slideshows and guestbooks, and will be disabling the ability to edit slideshows on November 6th 2011. Please make any necessary edits prior to this date. Thanks for using Slide.com!"
Dù sao cũng rất cám ơn cái SLIDE.COM này.
Các bạn có thể export toàn bộ slide hiện có qua picasa để lưu giữ và tạo slide.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Gặp bạn


Bạn bè tôi có thằng là tiến sĩ (thật)
Có thằng ở Mỹ, ở Tây
Có thằng cù nhây,  
ba mươi năm nay vẫn cù nhây
Gặp nhau vẫn tau mầy, mầy tau...

Quên hết chuyện đời thường, quên đi chức tước
Mầy giám đốc, OK, mua thêm bọn tau ít nước
Mầy đít lác, ngồi đó, tiền mô mà làm cao
Tau trả cho - cất đi cho vợ mày mua rau...

Số phận, mỗi thằng một số phận    
Qua năm mươi- thằng nào cũng tin đinh mệnh
Xưa mầy thực giỏi hơn tau
Giờ thì ... mưa ướt tàu cau... hơn mày.

Hơn thua mất được như nhau
Còn mươi năm nữa... chuyến tàu thiên thu...
Gặp nhau chén tạc chén thù
Ngoài kia ... kệ nó... mùa thu qua rồi.

Miami-thu11

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Tháng Tám


Tháng Tám - mưa buồn héo ruột
Đọc lại sử thấy lộn tùng phèo
Đâu giả dối, đâu sự thật
Mới mấy chục năm mà đã lộn lèo!

"Ta ngắt đi ...mùa thu đã chết rồi"
"Không, thu còn đó... thu còn đó"
Ông này chê ông kia ngắn mỏ
Thu còn - thu mất cũng vậy thôi!
...
Thánh Gióng xưa ăn mấy nồi cơm
Xong vùng dậy cầm roi đuổi giặc (chuyện thật!)
Nay có người nuốt luôn cả tàu bạc
Ngọng miệng rồi, tệ hơn cả thằng bờm! (chuyện đùa)
...
Sau mùa thu là mùa đông
Lá vàng phải rơi và cành khô phải gãy
Xuân sẽ về với hoa tươi lộc nẫy
Chả cần biết lịch sử có ghi  không!

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Đám cưới Việt ở Mỹ

Giữ được truyền thống Việt ở đất Mỹ là một điều rất khó và vì thế rất quý và đáng trân trọng. Cưới hỏi, lễ tết, hội hè ... của người Việt trên xứ Mỹ mà vẫn rất Việt là một niềm tự hào. Ở đây Cù tui chỉ khoanh vùng lạm bàn về chuyện đám cưới. Vốn ở chưa lâu, (mười năm rồi còn gì!) quen biết không rộng, nên cũng ít khi dự đám cưới người ngoài, Cù tui chỉ dự vài đám của người thân. Nhưng nghe và đọc thì nhiều nên cũng có thể có cái nhìn chung.
Buổi sáng là lễ gia tiên, đàng trai đem lễ vật tới nhà gái xin rước dâu. Lễ vật cũng đầy đủ như ở quê nhà, trầu cau, trà rượu, heo quay, nữ trang, hoa hòe, xe lemousin dài xọc. .. Nhà gái nhận lễ, lên đèn kính cáo tổ tiên, hôm nay con gái về nhà chồng, giới thiệu bà con hai họ, gia đinh đàng gái trao quà.... Sau đó dâu đưa về nhà trai. Tương văn tự, nhà trai cũng đèn lên, cũng kính báo tổ tiên nhà có cô dâu mới, giới thiệu bà con hai họ, họ hàng bên trai tặng quà...Sau đó ăn trưa.
Buổi chiều là lễ hôn phối tại nhà thờ. Bí tích hôn phối thì mọi nơi đều giống nhau, chỉ có hơi khác một tí là có khi linh mục phải nói hai thứ tiếng để cho người trẻ kẻ già đều hiểu được lời Chúa. Tan lễ, mọi người về nhà đề ... chuẩn bị dự tiệc tối.
Tiệc đám cưới thường đặt ở nhà hàng. Cô dâu chú rể ra cửa đứng chào khách, cùng khách chụp hình lưu niệm, hình này được giao ngay cho khách cùng với thiệp cám ơn. Ăn thì không giới hạn, nhưng uống thì chỉ có chừng, vì còn phải lái xe về nhà.
Một ngày đám cưới bận rộn nhưng hạnh phúc của cả hai gia đình, bà con thân thuộc.
Tuyệt vời, thế thì có chi để mà ... cù đâu! Chuyện là như thế này:
Cù tui xưa nay vẫn cứ trở trăn về cái việc Lễ gia tiên, lễ gia tiên theo tui là nếu có thì phải tổ chức sau lễ hôn phối ở nhà thờ, đây là cái logic: bí tích hôn phối chưa lập thì chưa là vợ chồng. Nội dung của lễ gia tiên, theo cù tui cần nghiêm trang nhưng ngắn gọn, nên chăng bỏ đi cái vụ rót rượu, rót trà, lạy ra mắt người lớn... Nghi lễ nên nói ít mà thấm nhiều. Cù tui có lần về quê dự đám cưới em gái, ba tui và ông trưởng họ, nhận lễ xin dâu, lên đèn và khấn vái lâm râm, tui hỏi ba tui sao ông trưởng họ không nói gì thế, ba tui trả lời:nói với người quá cố, đâu cần nói to! Phần giới thiệu bà con cũng nên ngắn gọn, thân mật. Hôm rồi, Cù tui dự đám cưới đứa cháu bên vợ, ông anh lớn nổi hứng giới thiệu luôn cả các bức hình trên bàn thờ!
Chuyện tiệc tối: "không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải VN". Thiệp mời ghi tiệc bắt đầu từ bảy giờ, bạn cứ yên trí, đi ăn tối trước đi để dằn bụng cái đã! Chín giờ mới bắt đầu. MC cáo đi, cáo lại với đủ 1001 lý do! Cái bệnh trầm kha, văn hóa nông dân của người mình thật khó bỏ! Cù tui đọc trên báo mục "chuyện lạ có thật", nhà nọ mời đám cưới phải kèm thêm tấm thiệp với giòng chữ : "Nếu quý khách thương hai cháu xin đến đúng giờ"! Nhà hàng Việt Nam bên này cũng dễ chịu và vì cạnh tranh quá... nên cũng đành chìu! Rồi khách mời, vẫn giữ quan niệm đám cưới lớn là đám cưới đông khách nên có rất nhiều khách là kẻ bị mời! Kể chuyện với người Mỹ về lượng khách trong đám cưới, ai cũng lắc đầu lè lưỡi! Có nhữngkhách mà cả hai gia đình cô dâu chú rể không nhận ra ... là ai!
Quà cưới thường không là vấn đề như ở bên quê, thân sơ tùy cảnh, tùy tình. Nhưng tế nhị là ai cũng nghĩ phải bù đủ phần tiệc cho cô dâu chú rễ. Người Mỹ thường thì cho quà cưới mà không cho tiền. Cô dâu chú rể Mỹ thường lên một cái list và gởi luôn ở cửa hàng bán tặng phẩm cưới, khách mời có thể xem để mua tặng cho khỏi bị trùng lặp.
Dzô, dzô... âm thanh quen thuộc này vẫn luôn vang lớn trong tiệc cưới, dù có đi mô đi nữa!
Nhạc thì ồn, khách có gan thì lên liều một bản tặng cô dâu chú rể, chúc trăm năm hạnh phúc. Chẳng bù đám cưới Mỹ thường chỉ chơi nhạc cổ điển nhẹ nhàng!
Chuyện các chú camera: anh là phóng viên, anh có nhiệm vụ ghi hình quay phim cái sự cưới hỏi của tui, tui nhờ anh quay phim đám cưới của tui chứ không phải là đám cưới để quay phim! Thế nhưng cũng như bên nhà, lắm anh nhiếp ảnh muốn làm đạo diễn, yêu cầu mần đi, mần lại để quay phim, mần nghi lễ theo ý nhà đạo thị diễn này! Thế mà hai họ đều xin vâng!...
Cù tui tạm ngưng cù cái đã, bữa sau có dịp kể và cù tiếp.




Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Viết nhân đọc bài "Ở đâu thi đấy" của anh Vĩnh Ba

Nhân đọc cái đề nghị của bác Ba về cách tổ chức thi đại học, Cù tui nổi hứng hứa với bác Ba là sẽ viết một entry về cách tuyển học sinh vô ĐH ở Mẽo. Nhưng nghĩ lại mới thấy mình hứa dại, một Thanh cù lần, rị rị mọ mọ mà mằn răng viết được hết cái sự to nậy ni đặng. Nhưng đã lỡ trót thì phải trét, chuyện to viết không nổi thì viết chuyện nhỏ, chuyện cực nhỏ, nhỏ như con thỏ: Cù tui viết về con gái lớn tui vô đại học ra sao để quý blog-hữu hình dung ra đại thể.
Có mấy chữ Mỹ mà tui dịch đại khái ra tiếng Việt và viết tắt cho dễ đánh máy. Điểm trung bình toàn cấp (TBTC)là điểm trung bình của tất cả các môn học tính từ lớp 9 đến lớp 12. (Ở xứ này lớp 9 được xếp vô cấp 3). Điểm trung bình trong năm (TBN)là điểm trung bình của tất cả các môn học trong năm hiện tại. Tối đa của hai loại điểm này là 4. SAT và ICCT là tên của hai cái test quan trọng cho học sinh trung học muốn vào học ĐH. Học sinh trung học được chọn một trong hai test này, (thực chất nội dung không khác nhau mấy, gồm: toán, khoa học, tiếng anh, kiến thức tổng hợp)và thi vào bất cứ thới gian nào trong 4 năm trung học, đăng ký và chờ khoảng vài tuần, test trên máy tính, điểm được bảo lưu, không hạn chế lần thi! Cái hay là ngân hàng dữ liệu câu hỏi rất phong phú, nên thường thì kết quả của những lần test không chênh nhau bao nhiêu! Con gái tui test hai lần trong năm lớp 12, mỗi lần 3 tiếng, kết quả lần đầu cao hơn lần sau! Mỗi lần lấy test phải đóng lệ phí khoảng 40 đô la. Địa điểm là tại trường đang học, mỗi đợt test chỉ khoảng vài chục em. Rất nhiều học sinh lấy test này ở năm lớp 11.
Muốn vào ĐH thì học sinh phải nộp hồ sơ, trường sẽ căn cứ trên các kết quả TBTC, TBN, SAT để xét chọn. Con gái tôi còn được hai thầy giáo dạy trường trung học viết thư giới thiệu! Kết quả sẽ được thông báo cho học sinh một tháng sau khi nạp hồ sơ. Tiêu chuẩn của từng trường khác nhau, hs thừơng nộp hồ sơ cho hai ba trường và chờ đợi kết quả.
Không vào được ĐH thì học cao đẳng, tiêu chuẩn vào những trường cao đẳng thường không cao, học phí lại thấp, sau khi học cao đẳng 2 năm nếu có kết quả tốt thì có thể chuyển qua học đại học.
Tôi chưa từng thấy ở Mẽo có trung tâm luyện thi ĐH nào, có chăng là trong từng cộng đồng, như cộng đồng người Việt ở một số tiểu bang có tổ chức lớp học miễn phí cho các cháu chuẩn bị thi SAT gọi là "SAT for SAT", mỗi tuần một tiếng vào thứ bảy do các sinh viên hướng dẫn cho các em học sinh cách chuẩn bị để đạt kết quả tốt, thế thôi.

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Thầy đánh...

(Chùm bài viết vui về võ sĩ Thanh ròm...)
Hồi năm đó...
Bọn chúng tôi tốt nghiệp và đi dạy học ở Pleiku, trường Minh Đức cũ đổi tên là trường cấp ba Pleiku. Chúng tôi ở tập thể. Hoàng Trọng Phiến tốt nghiệp cùng năm nhưng là lớp trước nên chúng tôi coi là đàn anh, ông mãnh này nghe đâu là đai đen hai đẳng thái cực đạo! Nguyễn Tiềm thủ khoa bên khoa ngoại ngữ cũng là tay giỏi võ ta. Ba chúng tôi lội bộ lên trại cưa Trà Bá vác về một bao mạt cưa lớn làm bia để tập dợt đấm đá. Phiến quả có cú đá liên hoàn song phi và giò lái thần sầu, cực kỳ đẹp mắt...
Tối hôm đó dường như chúng tôi vừa nhận lương, (lương sau khi khấu trừ tiền ăn, chỉ còn đủ để mua xà bông và kem đánh răng dùng trong một tháng, chị em phụ nữ thì có thêm tiền phụ trội để mua...băng vệ sinh!) Anh Phiến rũ đi nhậu, món nhậu phổ biến cho giáo viên hồi đó là rượu đế và tô xí quách- (xương bò hầm làm nước phở, phần xương còn lại sau khi nấu), không biết tay này kiếm đâu ra đôi giày da còn láng, vừa bước ra khỏi cổng, lão đã khoe:
-Giày ni mà đá giò lái vô mặt thì ... gãy nguyên hàm!
Phiến, Hùng xù và tôi lai rai một chặp rồi cùng về trường. Hai ông khoác vai đi trước, tôi chậm rải theo sau. Ngang qua rạp xi-nê Diệp Kính, cũng đúng lúc xong phim, người ra khỏi rạp khá đông. Bổng tôi thấy ba bốn ông bộ đội vây Hùng vào giữa, Phiến thì bỏ chạy, một ông hô:
- Đánh bỏ mẹ nó đi rồi dẫn về đồn.
Tôi liền nhảy vào can, giọng rất to và rắn:
-Có gì thì nói chuyện, đừng đánh nhau!
Bốn ông quay lại vây tôi, Hùng thừa cơ vọt mất. Một tay la lên:
-Bọn nó cùng bầy, đánh bỏ bố chúng đi!
Cả bốn tên đồng loạt xáp vào đánh tôi, đã chuẩn bị trước nên tôi thụp thấp xuống, tay trái lấy kính cận ra khỏi mắt, lướt ra sau lưng một ông và thôi sơn phải tung vào quai hàm... rồi nhanh như chớp tôi vọt vào hẻm tối! băng qua hẻm khác và vọt lại ra đường, tỉnh như không có chuyện gì. Tôi còn nghe tiếng chửi thề của các ông:
-Thằng này có võ, coi chừng! Ông mà túm được thì...
Tôi bình thản đi về trường. Phiến và Hùng đã đóng của phòng, tôi không gọi.
Sáng mai Phiến càm ràm mất chiếc giày, Hùng mất đôi dép! Bàn tay phải tôi sưng vù cả tuần mới lành. Phiến đùa:
-Tay mi mà sưng cả tuần, chắc thằng tê ăn cháo cả tháng!
...
Phiến bây giờ bạc hết đầu, lấy Liên, con đã lớn. Gặp lại, vẫn phong thái như xưa, vẫn cứ đùa:
-Hồi đó mi tán kém, chỉ biết làm thơ nên mô có vô nỗi em Liên!
...
Hùng thì vẫn ... cứ rất xù, chỉ gặp nhau qua điện thoại. Nói không chịu nhường, lan man bật tận.
...
Tôi dạy lâu không biết là đã thành thầy chưa! nhưng cái tính cù lân, cù lẩn, cù lần thì vẫn cứ ...cù lần!

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Vì bạn...

(Chùm bài viết về võ sĩ Thanh Ròm)
Quảng trị cuối năm 71 bắt đầu lộn xộn. "Hội mùa xuân" là đặc san xuân cuối cùng của trường Nguyễn Hoàng trên đất quê. Tôi chưa hết vui vì được giải truyện ngắn thì chiến tranh ập đến. Cậu Dũng của tôi thôi mặc áo rằn ri, cậu ghé nhà vói bộ đồ đen, súng nhỏ ép nách. Cậu cho tôi hai viên đạn M16 gắn sẵn trong hai ống nhỏ, chỉ cần kéo chốt là ... đoằng! Cậu bảo cho cháu để phòng thân. May mà tôi chưa bao giờ sử dụng đến!
Mùa hè đỏ lửa đến như ác mộng, gia đình tôi chạy giặc lòng vòng để rồi cuối cùng vô ở trại tạm cư Non Nước, Đà nẵng. Trường Nguyễn Hoàng lại mở cửa. Đó hình như là câu lạc bộ của của lính Mỹ, cửa lớp xẻ tạm trên vách gỗ, phên tre đan là tấm ngăn giữa lớp này và lớp khác, học sinh phải đem theo ghế ngồi. Ngồi lớp này nghe rõ tiếng thầy cô giảng ở hai lớp bên cạnh, thấy rõ cả chân thầy bước!
Tôi vào lớp mười ban B với trường lớp quá thiếu thốn như thế. Trường ty nạn!
Lại lan man rồi...
Hôm đó Du thịt không biết xích mích gì đó với đứa nào trong lớp, thế là băng nhóm lại kéo vô sinh sự. "Lại", vì nhiều lần các băng nhóm vô trường, vô lớp tôi hoành hành. Có lẽ quý thầy cô cũng biết nhưng chắc cũng có cách gì dẹp nổi, nên đành lơ! Bọn tôi học trò mặt trắng, tay không, có ai dám ra mặt chống lại! Có lần tôi tức điên người khi chứng kiến hai thằng cắc ké dám nhảy lên bàn, đá thẳng vào mặt Nghiêm lớp trưởng và anh này dù to con nhưng vẫn ngồi yên chịu đòn!
Nhưng hôm nay thì hết nhịn nỗi rồi! Mắt thằng Du chảy máu, thằng du côn ngay cú đầu đã chơi ngay đòn ác, dùng song chỉ đâm vào mắt bạn tôi. Phước, Thành, Du và tôi ngồi cùng một bàn. Phước quay hỏi tôi. Trả lời gọn lỏn:
-Chơi!
Chiếc ghế gổ ngồi học biến thành vũ khí, Phước chơi ngay vào mặt một thằng khác nhào đến đánh hội đồng! Hỗn chiến bắt đầu, nói là hỗn chiến nhưng ngoài bốn thằng tôi thì cả lớp chạy hoảng trước một băng bảy tám tên du côn. Chỉ có Hoàng Văn Ân là đánh hỗ trợ! Không biết tại sao tôi còn bình tỉnh để tìm thằng đầu đảng, liếc mắt ra cửa, tôi thấy hắn đứng vòng tay, nhìn vào chỉ huy bọn tép riu! Tôi nhảy vội ra ngoài, vổ vai hắn và kê ngay cú thôi sơn như trời giáng vô cắm, cú thứ hai làm hắn lảo đảo, hắn hét lên:
-Rút!
Thế là nguyên băng của chúng biến rất nhanh. Bốn đứa tôi cũng vội dọt, bỏ ngang giờ học tiếp.
Chúng tôi chạy về nhà Phước, chỉ cách trường trăm mét. May hôm đó mẹ của Phước đi vắng. Bốn thằng bàn với nhau là tử thủ! Song căng giường bố, gậy cho ba thằng bạn, còn tôi thủ cây rựa cùn cán dài. Nhìn ra đường thấy rợn người như trong xi-nê, bọn chúng gần hai mươi đứa,có đứa trên xe lăn! hung khí trên tay đang tiến về phía chúng tôi! Nỗi sợ lớn nhất của tôi là phải bỏ học chứ không hiểu sao mà tôi chẳng ngán bọn này tí nào!
Thằng đầu đảng một mình tay không tiến về phía cửa nhà, đe dọa:
- Thằng nào chơi tao hồi nảy mau bước ra kẻo tao đốt nhà!
Bọn chúng dám làm thiệt chứ chẳng chơi, nghĩ vậy nên tôi bước ra khỏi cửa, vạch một đường giới hạn, rồi dõng dạc:
- Tui đây, ông mà bước qua vạch này thì cây rựa ni đổi thành màu đỏ!
Quả thật lúc đó tôi không dọa, nếu thằng này dám nhảy tới thì có lẻ có án mạng thật rồi!
Hắn lừ lừ mắt như đo lường, tính toán, nhưng không dám bước tới. Tôi không còn chút sợ hãi. Đứng yên chờ diễn biến. Bổng tiếng còi hụ đột ngột vang lên, hai xe cảnh sát xuất hiện, mấy ông cảnh sát dã chiến tay khiên, tay dui cui nhảy nhanh đến tóm bọn chúng. Cả bọn chạy tứ tán. Bọn tôi lủi nhanh vô nhà và đóng cửa. Tôi nhớ là có ai đó gọi chúng tôi qua trường viết tường trình. Có lẽ ai đó trong trường đã gọi cảnh sát đến giải quyết.
Không hiểu vì sao mà những ngày sau đó không có ai đến quấy rầy bọn tôi nữa. Vết rách trên mắt của Du cũng đã lành. Tôi và Thành luôn đi về cùng với nhau để tiếp cứu, đứa nào cũng mang sẵn dây nịt da bảng lớn phòng thân. Tôi tập đánh nhuyển tiên từ dạo đó! Không biết có phải thấy cần để tự vệ hay không mà Du theo anh Lưu tập võ Thiếu Lâm! Hắn học mau tiến, liên hoa, hỗ quyền, xà quyền hắn đều múa được! Có điều hắn không biết đánh lộn bao giờ!
Bốn thằng bọn tôi thân nhau hơn...
Sau này khi thêm một số tuổi, tôi càng thấy rõ thêm rằng con người ta nếu thắng được sự sợ hãi thì trở nên mạnh, người ta chết là do sợ chứ chưa chắc đã do yếu tố bên ngoài.
Thêm một số tuổi nữa thì tôi đâm ... sợ. Thân này dẫu ra răng đi nữa cũng không thể làm liên lụy đến thân nhân. Tôi từ sợ đâm ra hèn...
Thêm một số tuổi nữa tôi đi trốn tôi, tôi không đến nỗi phải đào hố mà hét..., nhưng tôi trốn mình bằng cách cho mọi sự đều là ... sự thường.
Thêm một số tuổi nữa tôi đâm khinh người, tôi cho rằng những kẻ giống tôi thời trai trẻ là những thằng khùng điên.
Lại lan man nữa rồi...

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Bốn đánh một, không chột cũng què

(Chùm bài viết về võ sĩ Thanh Ròm)
Vì thế nên khi thấy bốn thằng nhào vô đánh một thằng, tôi vì cái máu anh hùng rơm, kiến ngãi bất vi vô dõng giả, vội la lớn oai vệ: - Dừng tay! Mà bọn chúng dừng tay thật. Chúng biến thật nhanh, để rồi lúc tôi vừa ra khỏi cổng trường, bốn thằng khác to cao hơn nhào vô đánh tôi. Bây giờ thì chẳng có thằng nào "kiến ngãi bất vi" cho tôi nữa cả!
Một chọi bốn, ừ thì chơi! Lệnh Hồ Xung lúc bị trọng thương, một mình đã từng hạ mười cao thủ! Bọn chúng nhào vô tính ôm vật tôi xuống, không biết bằng cách nào tôi tháo khỏi tay của hai thằng ôm, mặt của một thằng chảy máu. Hai tay tôi khuấy vòng tròn liên tục, không chịu chạy mà lừ lừ tiến thẳng tới thằng mang mặt máu! Ba thằng còn lại, mặt tái mét không đứa nào dám nhào vô, tôi như người lên đồng bước chầm chậm bằng mũi bàn chân, chuẩn bị tầm cho cú song phi quỷ khốc thần sầu của mình thì đùng một cái, cả bốn thằng ù té chạy! Mấy thằng cắc ké đứng nhìn đều ngẩn mặt ra. Chẳng lẽ chúng đoán biết cú đá bay từng làm sập chuồng gà, gãy giàn mướp của tôi sẽ hạ gục chúng!
Tôi chùng hẳn người sau cơn căng thẳng tột độ! Quay người lượm sách vở bị bọn chúng giật rơi. Vừa đứng lên thì trước mặt tôi là Cầu, anh này là người cùng xóm, chỉ biết nhau nhưng chưa hề quen, Cầu học trước tôi một lớp ở trường Thánh Tâm, là trưởng tràng của lò võ Hạnh Hoa do anh Hoàng hướng dẫn. Không biết Cầu ra oai cách nào mà lũ cào cào châu chấu co cẳng chạy, chứ chẳng phải chúng ngán tôi!
-Can chi không?
-Không.
Chúng tôi cùng về và không nói thêm câu nào. Nhưng tôi âm thầm cám ơn giải vây của Cầu dạo đó. Khi viết những giòng này không biết Cầu còn sống không, vì một dạo tôi nghe tin Cầu bị nạn liệt người.
Sau này tôi biết Trần Kiềm (em nhạc sĩ Trần Tích) vì xích mích gì đó với Trần Tiền (Phương Sơn) nên kêu băng vô đánh hội đòng, tôi vì "kiến ngãi bât vi" mà bị vạ lây!
Dại dột thay thời thiếu niên, mà cũng hạnh phúc thay thời niên thiếu! Lớn dần lên thằng người trong tôi đâm chai sạn. Mắt tôi thấy, tai tôi nghe nhiều sự bất công mà tay chân tôi không máy đông, con tim tôi không một chút nhói đau! Bỉ ổi thay cho cái khôn lớn của thằng tôi!

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Nhân ...Quả

Cú đấm 40 năm trước và bàn tay bây giờ...
(Viết nhân anh bạn Đoàn Minh Phú gọi tôi là võ sĩ Thanh Ròm)
Tôi mê võ từ lúc tôi mê đọc truyện kiếm hiệp. Nhà tôi nghèo nên chuyện đến võ đường chỉ là trong mơ. Tôi tự tập qua học lóm và đọc sách, nhưng tôi vốn quá mê nên tập rất chuyên cần. Tôi trồng trụ gổ bọc rơm và đấm đến nát rơm và gãy cả trụ gổ! Cú song phi của tôi dạo đó được các bạn cùng lứa cho là thần sầu, tôi đá vượt cao quá đầu cả cánh tay và từng đá gãy cả giàn mướp. Hồi đó mẹ tôi nhận mở mắt thép gai cho người ta làm gióng gánh nước và đan bội, nên chiều nào dẫu mưa hay nắng, tôi cũng phải uốn thẳng gần nửa cây số dây thép và cắt ra từng doạn. Do vậy bàn tay tôi ngấm bột sắt trở nên đen sì. Tối đến tôi lại tập đấm vào bao đựng muối nữa! Hai bàn tay tôi trở nên cứng như thép và gần như mất cảm giác! Mấy đúa bạn cùng học lớp đệ ngũ Nguyễn Tri Phương của tôi thằng nào cũng ngán, dẫu có đứa lên đai đen thái cực đạo, có đứa học võ ta bên võ đường Bạch Hỗ. Thỉnh thoảng tôi biểu diễn đấm vào tường lớp học đến tróc vôi mà tay tôi không hề hấn gì! Mấy thằng nhóc bảo tôi có võ Thiếu Lâm! và biết thiết sa chưởng! Thỉnh thoảng tôi đạp xe về Bao Vinh học lóm võ ta từ Trần Hữu Cánh, cũng có lúc tập đấu với anh chàng to lớn này, nhưng chưa bao giờ tôi biết đánh lộn...
Cho đến khi tôi về học Nguyễn Hoàng, 1971. Hôm đó chưa phải ngày chính thức khai trường, chiều có trận đấu bóng rỗ, tôi không nhớ là đi cùng với ai đến xem. Tôi chứng kiến cảnh bắt nạt của học sinh lớp trên với lớp dưới, thằng lớn buộc thăng nhỏ phải giao ra cây viết pilot đang cài trên túi áo. Tôi nổi máu anh hùng rơm bèn nhảy vô can thiệp, thằng lớn không nói không rằng, trả cây bút lại cho thăng bé ngay, tôi tưởng bở. Bổng nghe ai đó nhắc:
-Chạy đi, mi đụng băng trụ điện 192 rồi đó!
Tôi có biết băng đảng chi mô, nên điếc chẳng sợ súng! Quả nhiên vài phút sau một thằng to cao nhảy tới nhìn xoáy vô mặt tôi, và tung ngay cú móc quai hàm. Hoàn toàn không có kinh nghiệm đánh nhau theo kiễu giang hồ, nhưng do tập nhiều nên phản xạ, tôi gạt được tay của hắn và tung trả quả móc hàm y chang! Một tiếng "bóc"rất giòn, quả đấm thép cuả tôi ghim ngay hàm địch thủ, và theo đà gạt, hắn té sấp xuống nền bê tông của sân bóng rỗ. Ai đó nhắc tôi:
- Chạy đi, bọn hắn đánh hội đồng đó!
Tôi không hiểu nên cứ đứng trơ như tượng thủ thế. Thầy Lê Phán chạy lại và gọi tôi vô phòng giám thị. Tôi thuật lại mọi chuyện, thầy bảo tôi ở lại trong phòng một lúc. Có lẽ thầy lo cho tôi, nên để bọn chúng giải tán mới cho tôi về. Sau này tôi biết thằng lãnh quả đấm đầu tiên của tôi là Thành "loa", "sĩ quan" trong băng 192!
Bốn mươi năm trước bàn tay phải của tôi là sắt nguội, lần đầu xuất thủ đã hạ gục địch nhân. Bây giờ bàn tay phải của tôi bị đau nhức! Cái nhân ngày xưa tôi gieo bây giờ ra quả! Tôi đã làm đau đớn một người, một con người, nên giờ tôi phải gánh cơn đau thực của thân xác. Cũng có thể không phải chỉ vì một nhân này, còn nhiều nhân nữa, tôi sẽ cố ôn lại, nhưng nếu tôi kiểm soát được nhân thì ... tôi hóa thánh nhân!

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Đền âm hồn

Ngày xưa còn bé ở làng, lũ trẻ chúng tôi nghịch phá khắp nơi nhưng đền âm hồn là chỗ mà bọn chúng tôi không đứa nào dám bén mãng đến.
Đền ở cuối làng, tiếp giáp với đường Bạn, con đường đất nối qua làng khác và dẫn lên rú cát, nghĩa địa. Gọi là đền, nhưng chỉ là một nền đất cao hơn mặt ruộng, lát gạch, xung quanh xây bờ tường thấp. Bên trong chỉ là cái bệ thờ đơn sơ, trơ trọi. Bở tường và nền gạch không biết làm tự đời nào, rêu mốc đen sì, nứt nẻ, cỏ mọc lan đầy. Gần đền có một cái giếng đất, cũng có tên là giếng âm hồn. Chắc hồi trước người ta đào lấy đất ở đây để đắp nền đền rồi thành giếng. Một cây sanh, loại cây cổ thụ, không biết được trồng tự thủa nào, quắt queo không cao lên nổi. Đền ở cuối làng, ngoài lũy tre bao, nên càng tăng thêm cái vẻ lạnh lùng.
Theo tôi được biết, đền là nơi dung thân của những oan hồn, cô hồn không người thờ cúng. Những cô hồn này không vào làng được bởi ông Thành Hoàng giữ làng không cho phép. Thỉnh thoảng có cơ hội, vài vị vào quậy phá đòi ăn, bắt ốm người này, người khác. Thân nhân người bệnh phải ra đền cúng bái xin tha. Thủa bé, vào dịp tết tôi thường theo ông bà đi cúng đền. Tôi không còn nhớ mâm cổ gồm những gì, nhưng chắc chắn là có áo, cháo, nổ. Áo là áo giấy hàng mã, cháo loảng, và hạt nếp rang nổ. Chờ tàn cây nhang, người ta đốt áo, đổ cháo và rắc nổ ra nền. Rời khỏi đền tôi luôn dành đi trước nhưng vẫn có cái cảm giác lành lạnh sau gáy.
Dân làng tôi hồi đó làm ruộng hai vụ, vụ chính gọi là vụ mùa, vụ phụ gọi là vụ trái. Vụ trái chỉ trồng lúa được trên những vạt ruộng thấp, vì thiếu nước. Ông nội tôi kể, một đêm vào vụ trái, ông cùng bà đi tát nước khuya cho mảnh ruộng gần đền âm hồn. Bà quay lưng vào đền nên không để ý, ông quay mặt về phía đền nên thấy có người trong đền, đang lên nhang đèn cúng bái. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông nghĩ là người làng chắc có ai đau ốm, đang khấn xin. Sáng mai, ông đi hỏi dò trong thôn xem hôm qua có ai ra đền âm hồn không, thì tuyệt không. Tò mò, ông ra nền đền xem, thì không có dấu tích của một cuộc cúng bái đêm qua, không tàn nhang, không tro ... cây cỏ vẫn im lìm, không có dấu chân người. Ông anh họ tôi thì quả quyết đẫ từng thấy ma cụt đầu theo cơn gió xoáy bay từ đền qua đường bạn lên rú cát!
Tôi trở về làng sau chiến tranh, chỉ làm một vụ lúa trái, lại rời xa. Học hành, dạy dỗ. Lang thang nhiều nơi. Thành phố có, núi rừng có, xứ biển có, trong nước rồi ngoài nước. Mơ hồ rất mơ hồ, hình ảnh đền âm hồn lại hiện về trong tôi vào những ngày cuối tháng chạp... Một chút liêu trai, tôi tự hỏi, về đâu những cô hồn xưa, nay có còn nơi nương tựa? Đền âm hồn vẫn còn đó, nhưng điện đã về sáng khắp làng, điện thoại, internet nhiều người có. Chẳng còn ai khấn vái lúc đau ốm. Về đâu hởi những cô hồn trong cơn giá lạnh cuối năm...

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Nương Lăng

Làng tôi đất hẹp người đông nên nhiều bạn trẻ khi ra riêng phải lên làm nhà trên xóm cát. Có một nương trống giữa làng nhưng không ai dám làm nhà ở, đó là nương Lăng.
Làng tôi có ruộng và nương. Ruộng: đất thấp trồng lúa, nương: đất cao làm nhà, trồng cây. Nương của mỗi nhà thường là một sào ta, chừng ba trăm mét vuông. Trước đây nhà nào cũng có ruồng tre bao quanh, sau năm bảy lăm, phần vì bom đạn phá hủy phần vì cần cái ăn: hột lúa, nên đa số tre bị phá để trồng lúa. Cả làng dường như chẳng còn cây ăn quả, ruông bao quanh nhà, ruộng vào tận mái hiên! Bây giờ khá hơn, nhiều nhà lại lấp ruộng làm nương, làng tôi bắt đầu có cây ăn trái, tre mọc trở lại.
Nương Lăng vẫn là vạt đất trống, làng cho đấu để trồng màu. Tương truyền đã có người bạo gan làn nhà ở trên nương này nhưng nhà phát hỏa, nên sau đó không ai dám nữa!
Theo bà nội tôi kể, thì nương Lăng xưa là mộ của ông Giám trong họ tôi, ông làm quan giám trong triều, bà cũng không biết quan giám là quan gì nhưng bà bảo là quan to lắm, ông chọn huyệt đất cho ông trước khi qua đời. Nghe đâu bốn góc của khu đất ông cho chôn bốn con mọi sống! Không biết con mọi có phải người Chiêm xưa không?. Chính hồn bốn trinh nữ này là thần canh khu mộ trung thành. Họ Nguyễn Đình tôi nghe đâu thời đó có nhiều người làm quan to lắm. Do ngôi mộ này kết! Họ sang làng mạt, vì vậy người làng ganh ghét người trong họ Nguyễn. Lại có truyền thuyết cho rằng làng có tranh chấp với làng trên về ranh giới, dân làng cậy có người đang làm quan trong triều nên đệ đơn kiện, không ngờ vị quan mang họ Nguyễn không thiên vị, nên làng đâm giận người họ Nguyễn! Chuyện này không biết có không, nhưng bây giờ có vạt ruộng trong làng mang tên Lập Tụng, và chuyện tranh chấp ranh giới giữa làng tôi với làng trên vẫn còn!
Trong làng phao lên tin là ngôi mộ ông Giám bị động, nếu không dời thì con cháu trong họ sẽ gặp chuyện không lành. Họ đi coi bói, Thầy bói trong vùng đều bị làng mua nên mười thầy đều nói về một quẻ: mộ động phải dời!
Bà tôi kể, khi đào mộ lên, xác ông Giám vẫn còn nguyên vẹn, chỉ tan thành nước khi mặt trời chiếu vô. Gấm, nhiễu, sô, sa chôn theo ông, người ta lầy lên phơi thành một sào dài dọc đường làng! Bà tôi có giữ được một đoạn vải, người ta bảo dùng may áo cho con nít mặc để tránh ma! Mộ được dời ra phía sau cát, trên mộ có làm miếu thờ, gọi là miếu ông Giám, miếu này ông thân sinh tôi có thấy, nhưng sau năm bốn lăm thì bị đập phá.
Tương truyền sau khi dời mộ, người họ Nguyễn vẫn cứ còn làm quan, Làng đi coi thầy địa lý, rồi cho đào một giếng nhỏ để cắt long mạch, giếng này có tên là giếng Họ, nước giếng này luôn có màu đỏ, người ta bào long mạch bị đứt. Từ đó họ tôi hết người làm quan.
Giếng Họ có thật, chính tôi đã thấy. Chắc bây giờ cũng không còn. Miếu thờ ông Giám cũng có thật, ông thân sinh tôi thấy, bây giờ cũng không còn. Ông quan Giám là ai, quan gì? Gia phả họ tôi trong chiến tranh cháy mất, chỉ ghi đến đời ông cụ cố (vãy) của tôi. Có mộ kết để con cháu làm quan không là điều không thể biết. Con cháu họ Nguyễn bây giờ người làm to nhất là đến chức hiệu trưởng trương làng! Nương Lăng vẫn còn đó, vẫn không ai dám làm nhà ở.

Tìm trong blog