Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Cây ghi ta đầu tiên

Tôi học nhạc với thầy Vĩnh Tuấn, nói cho oai vậy chứ thực ra hồi đó trong trường Nguyễn Tri Phương Huế, nhạc là một môn học, tuần một giờ, từ lớp đệ thất đến năm đệ ngũ. Thầy Tuấn chẳng bao giờ dạy, đến giờ là thầy giao sách cho lớp trưởng Ngô Chỉnh lên bảng chép cho bọn tôi chép theo, còn thầy thì chỉ ngồi trên bàn giáo sư. Lớp tôi hồi đó có Vĩnh Hiền, Lê Công Trình theo học trường quốc gia âm nhạc, thành thử mỗi lần thầy kiểm tra là chúng tôi chỉ việc chép bài của hai tay này. Nhưng cũng có lúc thầy Tuấn nỗi hứng lên, gọi chúng tôi từng đứa lên bảng bắt xướng âm, rồi bắt chúng tôi viết một đoạn nhạc gồm năm bảy ô nhịp, âm giai đô trưởng! Chúng tôi chỉ có chết, thầy cứ thế mà bắt chúng tôi xòe tay ra để thầy gõ! Hồi đó tôi ngán môn này lắm. Nhưng ít năm sau khi tôi bắt đầu thích nhạc tôi mới biết ơn thầy. Năm 1971 tôi về Quảng Trị, học cùng lớp tôi có Lê Phương, ông này cũng tập tọe chơi nhạc, Phương chỉ tôi thổi sáo, chúng tôi tự tập với nhau qua sách dạy thổi sáo của Tô Kiều Ngân và Nguyễn Đình Nghĩa, chẳng có thầy, không có cát-xét, CD...Phương cũng bắt đầu tập đàn ghi ta. Với tôi tập sáo thì dễ vì ... dễ mua cây sáo. Nhưng cây đàn ghi ta với tôi lúc đó là cả một ước mơ. Rồi chiến tranh, rồi chạy loạn. Cho đến cuối năm lớp 10, sau không biết bao nhiêu lần xin xỏ của tôi, không biết bao nhiêu lần hứa cho của mẹ tôi, ba tôi mới chở tôi qua phố Đà Nẵng để tậu về một cây ghi ta thùng. Tôi và Nguyễn Trường Thành, Nguyễn Văn Phước cùng mê ghi ta, chúng tôi học ghi ta qua sách của Nam Lộc và học lóm của nhau, lớp tôi hồi đó có Lợi chơi ghi ta hay lắm, nhưng chúng tôi không thân với Lợi vì cậu này vốn dân Pháp văn của 9/7. Bọn chúng tôi phục thầy Hộ lý hóa sát đất về tài đệm đàn của thầy, nhất là điệu paso của thầy chơi đệm cho bài nối vòng tay lớn và bài gì tôi quên tên nhưng bắt đầu bằng ... người đã đi đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu.. Tôi mê nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, nhạc tình của Trịnh Công Sơn từ dạo đó. Trường Thành có tài chép nhạc, hắn chép nhạc đẹp hơn in. Chúng tôi thường dùng vỏ hộp diêm cắt năm răng cưa để kẻ dòng, tôi thường không kẻ thẳng, những dòng nhạc chép bay bướm trên giấy pờ luya hồng... Ngô Dzu thì gò thùng làm bộ gõ và tập chơi mandolin, rất tiếc hồi đó chúng tôi không có đàn anh nên chỉ mò mò mẫm mẫm với nhau, band chỉ ở trong mơ. Cây ghita của tôi sau đó đã biết in hình cô gái tóc dài ngồi ôm tảng đá buồn...(phác họa của tôi về Trần Thi Thảo, Thảo A2) và lưu lạc nơi nào tôi không rõ khi tôi vào đại học... ....

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Kế Võ ... đêm trăng hồng hoang...

Thanh Thanh xanh xanh nhớ nhớ, theo cách nói của Miên Như, mờ mờ. Nhớ tức là mờ mờ. Tuổi quá ngũ thập thì nhớ là nhớ rất riêng, nhớ không phải là sự kiện mà nhớ tâm tư. Mặt trời thì vẫn sáng cho ban ngày, nhưng vẫn có đêm nên vẫn cần trăng, trăng làm mềm đi cái trần trụi của ban ngày... Như là cuối năm thứ ba trong trường ĐH, 1978. Tôi với Nghiêm, Niệm xuôi đò máy về quê Niệm. Cho đến bây giờ, sau hơn ba mươi năm tôi vẫn còn nhớ như in cái đêm trăng ở Kế Võ. Chúng tôi ăn tối ở nhà Niệm rồi cùng hai em gái của Niệm ra bãi biển. Mẹ của Niệm không quên bắt chúng tôi mang theo mấy gói xôi để ăn khuya. Trăng thật tuyệt vời, không biết thằng Nghiêm có ý tưởng quái đản gì không, chứ riêng tôi thì hoàn toàn... như trăng (tiếc thật!). Chúng tôi đào cát thành hai cái hố lớn, một cho hai em của Niệm, một cho ba đứa tôi. Nằm nói chuyện lan man mông lung, thả hồn theo trăng, theo biển. Tôi ngủ lúc nào không hay. Tỉnh dậy khi nghe tiếng hò dô, hò dô kéo lưới. Khoảng ba bốn giờ sáng. Ba thằng chúng tôi để hai đứa em gái đó, ra coi kéo lưới dưới trăng. Nghiêm muốn cùng xuống kéo, nhưng Niệm bảo muốn kéo lưới chung với họ thì phải ...cởi truồng. Ba thằng tôi, hồi đó như chẳng sợ thằng tây nào, đồng cởi truồng, dấu quần dưới cát và lội xuống nước. Hò dô, hò dô... kéo. Nếu chuyện chỉ như thế thì ... thôi. Đang hò dô bổng chúng tôi nghe tiếng gọi của hai cô em gái trên bờ. Thằng Niệm hét to, đứng đó đừng lại gần, anh lên ngay. Lên bờ, trăng mờ, tìm đâu ra nơi chôn... quần. Mà hai đứa em nào có hay chúng tôi đang trong cảnh hồng hoang! Tôi đã qua rất nhiều đêm trăng rừng, biển, phố... nhưng đêm trong như trăng ở quê Niệm thì không còn. Tôi đã để qua đi một điều gì? Thế mà hay.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Nguyễn Hoàng và Niềm mong đợi

Tôi được thầy Đỗ Tư Nhơn "phát hiện" trong một giờ làm văn lớp 9, bài văn nghị luận "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Thầy yêu cầu lập dàn bài, nhưng cả lớp đều làm hoàn chỉnh bài văn, có bạn chép từ sách mẫu ra. Tôi lo lắng nhìn thầy tự hỏi hay là mình sai, thầy xuống bàn kiểm tra vài cuốn vở, rồi như nhận ra trong mắt tôi có điều muốn nói, thầy lật vở của tôi ra coi. Thầy cầm tập tôi lên bàn, đọc rồi gọi tôi lên bục đọc cho cả lớp nghe. Thầy bảo đây chính mới là yêu cầu của thầy... Tôi sướng lắm và "mê" thầy từ đó. Tết Nhâm Tý (1972), nhà trường tổ chức ra báo tết, thầy Nhơn động viên học trò viết bài tham gia. Hồi đó tôi viết "khá" lắm, bài làm văn từ lớp đệ thất đến đệ ngũ của tôi đều được quý thầy khen và được đọc cho cả lớp nghe, có bài văn năm lớp đệ ngũ tả cảnh mùa thu ở Huế, thầy Nguyễn Diệm đã đọc cho cả khối nghe. Tôi viết "niềm mong đợi" sau khi đã làm dàn bài khá kỷ. Báo "Hội mùa xuân" phát hành và truyện ngắn của tôi được giải ba, sau giải nhì của chị Quỳnh, Người khách trong ta. Tối nhận giải, lòng tôi tràn đầy hân hoan, dường như thầy Phán đã trả tiền xích lô chở tôi và phần thưởng về nhà. "Hội mùa xuân" dường như thầy Nhơn còn lưu giữ, tôi mong có một lần đọc lại "niềm mong đợi", tác phẩm của một thời học trò thật đẹp, của một cậu học sinh lớp chín tập tễnh viết văn... Sẽ có.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Bài thơ đầu

Hồi năm 1971, tôi về học lớp 9/4 trường Nguyễn Hoàng, bắt đầu tập tểnh làm thơ. Lớp tôi dạo đó đã có vài thi sĩ thứ thiệt: Đổ Huy Sanh, Lê Thọ Tuyển...Huy Sanh thì: Lầu trang cách biệt khung trời mộng, viện sách bềnh bồng ngọn gió đông... Thọ Tuyển thì: Chờ em lên với nghe nào, nhớ nghe đứng đợi má đào đừng phai...Thơ của hai vị này đã từng được đăng trên nhiều tờ báo. Tôi ngưỡng mộ ghê lắm và cũng tập làm thơ. Bài thơ đầu tôi không còn nhớ, nhưng chỉ nhớ là tả về mùa xuân, có câu: ngẩn ngơ cánh bướm vân vi. Ông tôi, Trần Tư Bổng (ông là em của bà nội) nhà giáo về hưu, tinh thông kim cổ, nghe nói bọn tôi làm thơ (bọn tôi là tôi và Trần Xuân Lâm), muốn tôi đọc cho ông nghe. Nghe xong, ông hỏi, cánh bướm vân vi nghĩa là sao? Vân vi, chữ này không rõ nghĩa. Ông bảo thơ không nên ép vần, vần là phải tự nhiên. Lúc đó tôi nghĩ ông quá cổ điển, thơ thì đâu cần rõ nghĩa! Nhưng sau này càng lớn tôi càng thấm. Tôi nhớ tôi có đâu chừng chục bài thơ, Lâm cũng vậy. Thế là chúng tôi quyết định xuất bản! Việc đầu tiên là in ấn. Tôi năn nỉ xin ba tôi chục tờ stencil (ba tôi làm văn phòng, nên thứ này không thiếu), tôi đóng một cái khung gổ nhỏ, xé cái áo trắng đã củ, để làm một cái khung in (chiêu này tôi bắt chước Đổ Huy Sanh) không có máy đánh chữ, tôi dùng bút lá tre viết lên tờ stencil. Không có mực in, tôi và Lâm trưa nào cũng quần xà lỏn lên tòa hành chánh tỉnh Quảng Trị, vào lục trong các thùng rác ở văn phòng để kiếm những ông mực quay roneo đã vứt bỏ. Lên khung in thử tờ thứ nhất, lòng biết bao sung sướng khi thấy bài thơ của mình được "in ấn"... Chúng tôi đang sống trong mơ và thực như thế thì chiến tranh... Mùa hè đỏ lửa. Năm 75, ba tôi và tôi đào tìm trong đống gạch vụn đổ nát của ngôi nhà cũ, hầu xem còn gì có thể dùng được, hình như tôi thấy ống mực quay ronéo chưa dùng hết ngày nào còn tươi màu đen...

Tìm trong blog