Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Bà ơi

Bà ơi cháu rất yêu bà Đi đâu bà cũng mang quà về cho Hôm qua có chiếc bánh bò Bà chia cho cháu phần to nhất nhà Mỗi lần cháu chạy chơi xa Má cháu có đánh thì bà lại can
Bài học thuộc lòng hồi tiểu học, đến nay tôi vẫn nhớ. Bà tôi là thế đó. Tôi còn nhớ hồi đó tôi học đệ ngũ trường Nguyễn Tri Phương Huế, nhà tôi ở chân núi Ngự Bình. Trời mưa vào giờ tan học, bà tôi lặn lội đi bộ từ nhà đến trường để đem áo mưa cho tôi mặc, bà tìm ra tôi giữa gần ngàn học sinh, không là chuyện dễ. Thế mà bà đã làm. Những câu ca dao mà tôi biết bây giờ là do bà truyền lại, bà thương tôi một cách lạ lùng, cho riêng tôi ăn, dành phần ưu tiên cho tôi lớn nhất trong bầy cháu nội ngoại...Sau năm 75, nhà tôi rơi vào cảnh túng quẩn, tôi cố gắng tiếp tục học, bà thường dậy sớm từ lúc 4 giờ sáng để nấu cho tôi vài củ khoai, củ sắn, ăn ấm bụng trước khi đến trường... Bà qua đời năm 80, vào thời gian khốn khó nhất của gia đình tôi, tôi không về với bà được. Tôi và em Nghĩa chỉ thắp nhang khấn và khóc thầm... Sắp đến ngày giỗ bà, tôi lại lẩm nhẫm ... bà ơi cháu rất yêu bà...

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Tôi không có ...ông thầy.

Năm đó, có lẻ là năm 2000, một nhóm học trò cũ ở An Khê từ Sài gòn về thăm tôi. Xuân Hùng, Sỹ Dũng, Lương, Tám... Trong nhóm này có̀ Thắng chồng của Tám, hơn tôi một tuổi. Anh tâm sự là anh cũng học xong trung học phổ thông nhưng anh không có... một ông thầy như vợ và các bạn. Do tò mò muốn biết tôi như thế nào mà "bị" học trò nhắc nhiều đến thế nên anh về thăm tôi. Hồi đó tôi chỉ cười, cũng không suy nghĩ gì nhiều, trả lời anh theo phép xã giao. Chín năm sau, duyên nợ vui vẻ, gặp lại nhóm học trò này ở Sài gòn, có thêm Tam Thanh, Dũng xì dầu. Hạnh phúc, tôi tự hỏi mình đã sống như thế nào với lớp học sinh này mà chúng mến tôi đến vậy. Vào khoảng 1980, chúng tôi nghèo rớt mồng tơi, tôi lại cưu mang thêm cô em gái vào học lớp 10. Khó khăn vô vàn, nhưng thầy trò chúng tôi sống với nhau, đúng là sống với nhau chứ không phải chỉ dạy và học, rất chân tình, rất nhiệt thành, không hề tính toán... Đôi lúc nghĩ lại tôi thấy mình may mắn đã có được quảng đời như thế. Tôi đi dạy nhiều nơi, càng lâu càng thêm kinh nghiệm, "thầy giáo già, con hát trẻ", nhưng sự thế nhiều thay đổi, tuổi trẻ qua đi, nhiệt tình nguội dần, tính nghề nghiệp, chuyên nghiệp, công nghệ dạy học ngày càng lấn át. Buồn thay, học trò sau này của tôi dường như cũng khó kiếm ra ... một ông thầy.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Bình... loạn

Hôm chúa nhật vừa rồi, anh em nhà chúng tôi ngồi đứng bàn chuyện dạy con. Em cột chèo tôi, Hùng, tính thẳng, chuyện gì muốn nói phải nói, để lâu trong bụng thì sinh chứng đau bụng sình. Hùng đưa ý kiến là nên phải đặt một con mắt của mình ở con cái trong cái thời bè nhiều hơn bạn, Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh này... Ông anh cột chèo lớn thì cho rằng, nên để tự nhiên, cần cho lũ nhỏ tự rút kinh nghiệm bản thân, té đau mới trưởng thành...Rất nhiều ý hay, lời tốt. Ai cũng hay, ý nào nghe cũng hợp nhĩ... Nhưng đến phần bình... loạn thì nghe hơi loảng xoảng. Ý chung thì dễ, áp dụng vô cái riêng mới keng thẻng: anh đã... anh nên... đụng chạm. Có thế mới là anh em, người ngoài thì đâu cần mất hơi cho nhọc cái phổi. Anh em thì anh em, nhiều khi cả vợ chồng cũng không muốn nghe lời nói thật của nhau. Ôi cái thằng tôi trong tôi nó mạnh, nó dữ quá. Hôm nay check mail, ông bạn Miên có đề nghị hay hay là trong blog nên thêm phần "một tí ý kiến" của người đọc. Bạn đọc blog của mình là mình vui rồi, lại cho thêm một tí ý kiến nữa thì hay biết mấy... Chân thành thay. Làm ngay.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

Một chuyện có thật

Dường như đó là năm 1986, tôi dạy học ở An Khê. Bà hiệu trưởng đang xây nhà mới. Một buổi chiều, tôi và Trương Thế Bình (dạy văn) đang ngồi cà nhạo chẳng có việc gì làm, ông phu quân của bà hiệu trưởng bổng dưng xuất hiện, ông này là phó giấm đốc một sở thuộc cấp tỉnh. Sau vài câu chuyện cà kê, ông nhỏ giọng rất thân mật: anh đang cần một cây sắt để làm tay vịn cầu thang lên lầu, anh thấy cái cột cờ trong sân trường là số dzách, giúp anh đi. Thế là ngày mai nhà trường bị mất cột cờ. Một cây sắt rỗng ruột dài khoảng 10 mét vô tri, trị giá không đáng 1 phân vàng. Nhưng đó là cây cột cờ của một trường trung học phổ thông. Người ăn trôm cây cột cờ của nhà trường chính là hiệu trưởng... Sau hơn 20 năm, tôi kể chuyện này cho vài người bạn thân nghe. Chúng cười, chẳng có gì đáng kể so với bây giờ... xưa còn ăn trộm, nay... ăn cướp công khai. Tôi bổng dưng buồn lạ lùng.

Những tấm hình đẹp nhất

Đây là những tấm hình đẹp nhất trong chuyến về thăm quê. Những tấm hình đầy hy vọng... Tương lai tươi sáng của các cháu ở phía trước.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Kỷ niệm... thời gian...qui serra serra...

14, 15 năm qua nhanh khi nhìn lại...
Con cái chúng ta lớn lên và liệu chúng ta đã biết là mình đang già đi không? Biết cũng tốt mà không biết lại là tốt hơn.

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Làng tôi

Nơi làng quê nghèo thật nghèo này, mẹ tôi đã sinh tôi ra đúng là trên gốc rạ. Làng tôi không có gì để tôi tự hào, không có mạch đất thiêng, chẳng có vị nào làm được ông to bà lớn. Nhưng tôi yêu làng tôi như yêu mẹ, yêu cha...

Vui...Gặp gia đình bạn

Gặp bạn đã mừng, gặp được nội tướng của bạn càng mừng hơn, thăm được cả gia đình bạn thì còn gì hân hạnh hơn! Vậy nên cù lần tui có đề nghị với quý thân hữu là đến thăm nhau thì nên thăm cả gia đình rồi sau đó có muốn đi riêng ôn chuyện cũ thì cứ. Như vậy thì mần chi có chuyện vợ càm ràm, con cảm cúm...

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Ngang như anh mà ... vẫn sợ.

Anh ngang, ngang tàng, phang ngang, ngang như cua. Thấy trái ý là phang liền, có khí phách. Không nể nang nên nhiều người cho là anh gàn, mà anh gàn thật. Sông ở vùng quê, người quê chân chỉ thích bước gần, (muốn bước xa cũng không có cơ hội!), thích xuôi chèo mái mái, răng cũng qua. Có mấy người hiểu được anh, anh cô đơn, nhiều khi nỗi cô đơn làm anh trở nên hơi quá, mà có như thế mới thực là anh: Trần Hào. Tôi chứng kiến anh phang ông phó chủ tịch xã ngay trong bữa tiệc tại nhà ba tôi, phang không thương tiếc. Nhưng theo tôi có lẻ không nên, hay là không đáng. Anh nói anh chẳng có gì phải sợ, đúng. Chừng này tuổi, thôi thì cũng bưa, nhưng anh vẫn sợ, cái bệnh sợ truyền kiếp của con người khi bắt đầu mang thai, cái sợ nhiều khi ngẫm ra cũng có lý tại đất nước ảnh hưởng phong kiến thực dân mới được khai hóa, anh sợ cho ... đời con của anh. Như anh vậy cũng là đáng phục rồi. Tôi có biết một người tên là Tống Anh Hùng Hiệp Sĩ Hiên Ngang, sau năm 75 khi khai lại hộ khẩu chỉ còn ... Tống Ngang. Trần Hào là tối giản, không thể bỏ chữ nào, nên anh vẫn cứ ngang...

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2009

Bạn thời sinh viên

Nguyễn Lành, học cùng lớp năm thứ nhất, vẫn hiền lành như dạo nào. Tóc bạc hết, giờ làm phó xếp ga Huế, dường như trong mắt Lành vẫn còn đọng một nỗi buồn sâu kín, già rồi nên nói hết ra, nếu chuyện không nói được thì gắng đào một lỗ đất mà hét vào, trút xuống. Rất cảm động khi Hoàng Công Thạnh vẫn còn nhớ tên bài hát mình viết cách đây hơn ba mươi năm, bài hát không bao giờ được hát, nhịp tươi, bài hát mà khi làm báo tường của lớp, thừa giấy nên Nguyễn Ninh bảo mình ... vẽ voi vô. Nguyễn Ninh, buồn quá, đã ra người thiên cổ. Võ Quyền vẫn cứ trớt huốt, tiến sĩ toán mà đi dạy phổ thông trung học, anh Ngô bảo đại đao đem mổ gà (chữ dùng của thầy Bàng ngày xưa) vẫn ngang tàng, ngông ngông. Hồng Thúc Ca vẫn nhiệt tình với bạn bè, râu kẻm, nói chuyện yêu đời, mê computer lắm, mà không có chỗ dụng, còn đâu cái thời... còn đâu chữ thời hởi Công. Anh Ngô chân tình, cái chất lính trong anh vẫn còn, con cái lớn rồi, đời sống ổn định, còn không biết mà ... lui. Niệm thì vẫn rất Miên Như, nói trăm trượng, dụng một hèo. tưng tửng, tưng tưng. Có Niệm mới có cái chuyện ... tìm lại bạn xưa, gặp nhau dăm chén, náo và tịnh... Rất tiếc là mình không gặp được Hạp và Vĩnh. An và Nhân thì mình gặp ở Quảng Trị... Tiếc nữa là không dự được cái ngày họp mặt lớp cũ... Còn nhiều cái tiếc... Nhưng biết bao nhiêu cho vừa...

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Thầy và Bạn ở Quảng Trị thời ...Nguyễn Hoàng

Phải có những thằng bạn như thế mới tập hợp lại với nhau được, đó là Du,là Hảo, là Thạnh Mỹ Hương... Hú và đến với nhau rất nhanh dù đời thường rất bận rộn. Gặp nhau để biết mình đã sống, để biết thời gian đã trôi, để biết mình có cuộc đời dù trọn vẹn hay dở dang. Gặp nhau không để làm gì, nhưng rất cần...Đời không còn dài, không biết còn mấy lần gặp gở nữa. Gặp bạn xưa, cỏi lòng rộng mở, không ngại ngùng vì chẳng còn chi để ngại. Có đứa chẳng nói câu nào, cũng chẳng cần nói, chỉ cảm nhận là đủ. Thầy Nhơn đã hát, nắng chia nửa bải chiều...ngậm ngùi. Trần Kiềm, tay ghi ta tự thủa thiếu thời, giờ còn sắc nét đệm. Thầy Hậu thì ...em tan trường về đường mưa nho nhỏ. Thầy Trí thì chỉ cười...Thầy Mãi hưởng ứng. Thầy và bạn, cám ơn đời, đã cho tôi những phút giây này. Tích Tường khu du lịch sinh thái Quảng Trị, tôi nhớ ra rồi, ngày xưa lúc tôi học lớp bốn, Tích Tường, Nhi Lệ là hai làng bên kia đồi, sau trường tiểu học Bồ Đề La Vang, xôi đậu bất an, tôi nhớ có Trần Thắng dường như ở đâu bên đó. Thương hải biến vi tang điền...

Bạn ở Sài gòn ....thời trung học

Gọi nhau bằng thằng, con, mi, tau... sướng. Đứa nào cũng khá, có đứa giỏi, mừng ghê. Có đứa có cháu nội, ngoại. Có thằng còn độc thân. Sài gòn nhiều thông tin. Bạn ở Sài gòn cũng dường như nhanh nhạy hơn... Cùng uống cà phê, cà kê dê ngổng...rất tiếc là không có nhiều thời gian để nghe nhau nói.
  • Nghiêm, thành ông cụ rồi, răng hàng tiền đạo sắp về hưu hết, vẫn nghịch.
  • Tuyến, có xe hơi đời mới, có nhà biệt thự ở đất Sài gòn mà vẫn lau nhau, lấn bấn một cõi đi về.
  • Hoài, lên chức ông nội rồi mà vẫn lang thang, báo với chí.
  • Thành, vẫn hiền hiền như dạo nào, rất tiếc không có thời giờ để nói chuyện với ông bạn nối khố thời 10,11.
  • Lộc, vẫn có vẻ trẻ, hoang nghịch yêu đời
  • Ân, còn độc thân, làm ông giáo toán
  • Hạnh, bác sĩ vẫn đang mất cái cần tìm...
  • Mú, bà này hình như là người hạnh phúc nhất trong số bạn 10, 11 đang ở SG. Nghèo nhưng rất ngộ.
  • Trúc, không nhận ra nếu các khác bạn không giới thiệu, dễ thường 33, 34 năm mới gặp lại. Trông còn rất tươi. Một thời mơ của Bùi Trọng Hòa...

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2009

Nhiêu khê một chuyến đi...về.

1.Sans Francisco... Mỹ thời khủng hoảng kinh tế sao vẫn lắm người đi đến thế, không thấy ai ngán "cúm heo" cả, thỉnh thoảng mới thấy vài người châu Á mang khẩu trang, chẳng thằng tây nào sợ cúm cả. Sân bay lớn, nhưng rất thân thiện, có thể hỏi bất cứ nhân viên nào về thông tin của chuyến bay mình đi và nhận được sự giúp đở rất nhiệt tình. Không biết thời thịnh vượng thì có thể ra sao! 2.Hồng Kông... Hôi xoong, cái sự đầu tiên là mũi phải chịu mùi hôi từ thảm trải. Con gái 10 tuổi hỏi tôi, sao trông các nhân viên có vẻ "dữ" thế. Tôi phải giải thích, vì họ phải mang khẩu trang nên con không thấy được họ cười. Con gái không đồng ý, con bảo là con nhìn vào mắt họ cơ! Tại sao phải hầm hầm như thế, cứ vui vẻ nhưng kỷ lưỡng có phải hơn không, chẳng lẻ phải nghiêm như vậy mới làm cho mấy tên tội phạm khủng bố sợ hay sao! Cái bệnh ngàn đời của người châu Á!!!. 3.Sài Gòn...sân bay quốc tế. Nghe em trai dặn dò kỷ lưỡng là phải chuẩn bị thuốc hạ nhiệt, uống trước khi xuống máy bay. Không khéo lại "được" cách ly do máy tự động đo thân nhiệt ở phi trường phát hiện triệu chứng bệnh cúm heo. Chẳng thấy máy ở đâu, có lẻ phải dấu vào chỗ bí mật nào đó mới đo chính xác cả hàng trăm người xuống máy bay cùng lần!!! Chỉ thấy mấy ông nhân viên y tế mặc áo thắt đai thu lại cái tờ tự khai về sức khỏe (có vẻ cực kỳ quan trọng) Anh chị có cần giúp đở gì không? Em bưng hành lý xuống khỏi băng chuyền và đẩy ra ngoài giúp anh chị nhé! Ôi giọng Bắc nghe ngọt như dao lam. OK. Lẩn quẩn, lẩn quẩn. Đẩy xe ra ngoài rồi chị cho 20 đô. Thưa vâng. Ôi, chị có thùng hàng cần kiểm tra lại, vào làm thủ tục chị nhé. Xong rồi, làm xong rồi, 10 đô. 30 đô la cho việc đẩy 3 cái thùng quà qua trạm, cũng rẻ. Thôi thì thôi nhé cũng đành thế thôi. Người thân đang đợi ngoài kia...

Tìm trong blog