Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Chuyện đời xưa: Tổ với chức!

Không biết rõ các từ 1975 đến 1979 quý thầy cô có sợ phòng tổ chức ty giáo dục không, chứ từ 1979, năm tôi ra trường đi dạy thi phòng tổ chức là ông kẹ của giáo viên cấp ba.
Mỗi năm hết hè lòng tôi bổng sợ... đó là câu ca của thầy cô cấp ba sau hai tháng hè, hết phép, được triệu tập về ty để bồi dưỡng chuyên môn, học tập chính trị, chuẩn bị cho năm học mới.
Công bằng mà nói, thì những khóa học như thế này rất bổ ích cho thầy cô: đây là thời gian tốt nhất để tìm hiểu xem chương trình năm học mới có gì thay đổi, nhìn lại kết quả giảng dạy của trường mình và trường bạn, nghe tin tức thời sự trong nước và ngoài nước về phát triển giáo dục vân vân và vân vân. Ở các nước tiên tiên tiến người ta cũng làm thế. Thật là phúc cho giáo viên để có những đợt bồi dưỡng như vậy.
Nhưng thực tế thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt trong đợt học bồi dưỡng cuối hè. Tôi còn nhớ nỗi lo sợ của mình và của đồng nghiệp sau mỗi đợt học. Số là ty giáo dục Gialai- Kontum dạo đó cứ sau đợt "bồi dưỡng" là biên chế lại giáo viên, nói rõ là phòng tổ chức ty sẽ đem đi đày một số thầy cô cứng đầu cứng cổ, không giải thích lý do. Tội nhất là quý anh chị đã có gia đình con cái,chỗ ăn chỗ ở yên ổn, cứ lo ngay ngáy, không biết năm học rồi mình có làm mếch lòng lãnh đạo không? Có bị cấp trên  chiếu tướng không? Có bị  thế thân ai không? (có ai chạy chọt để chuyển về trường phố không?). Chúng tôi, những giáo viên trẻ thì ít ngán, vì chẳng có gì khác lắm khi thay đổi chỗ dạy, chỉ sợ bị bêu. Bêu tức là trong năm học cũ, có thể bị quan nào đó đến dự giờ, quan nhưng trình độ nhiều khi kém hơn giáo viển, nên bất đồng trong việc đánh giá giờ dạy, các quan không thù vặt, nhưng nhớ dai, nên thường đem danh của thầy cô nào đó không hợp nhãn ra nhắc nhở! chứ chăng phải bêu! Tôi cũng ngán lắm, vì tính tôi, thủa đó dại, hay nói ngang...
Sau gần chục năm dạy ở Gialai- Kontum, hai lần được phòng tổ chức lạnh tanh của ty chiếu cố. Tôi xin chuyển công tác vô Nam. Bạn tôi khuyên tôi đừng đi, dù sao thì ở đây mày cũng thành lính cựu trào rồi, chẳng có tay hiệu trưởng nào thích nhận giáo viên già kinh nghiệm đâu! vì sao mày  tự hiểu. Nhưng Phùng, nhân viên tép riu phòng tổ chức ty thì bảo, mày nên đi khỏi ty này Cù ạ, các quan ngán mày lắm. Tôi chẳng nghe ai, tôi chuyển vô Nam là do tôi chẳng thích dạy ở Gialai, thế thôi.
Tôi nhận quyết định thuyên chuyển công tác của ban tổ chức chính quyền tỉnh (lại tổ chức!), đến phòng tổ chức ty giáo dục để nhận hồ sơ thuyên chuyển, hồ sơ niêm phong cẩn thận, tay trưởng phòng tổ chức mắt lạnh băng nói với tôi bằng giọng thi ơn, đáng ra hồ sơ này phải gởi đi bằng bưu điện nhưng nể anh lắm mới để anh mang tay! Tôi ngây thơ thầm cám ơn lòng tử tế của quan trên!
Tôi ở lại nhà ông bạn Pleiku vài hôm để giả từ phố núi. Trong bữa rượu tống biệt, ông này không tin tổ chức mấy, nên bày tôi mở niêm phong xem các quan nhận xét gì, tôi không đồng ý vì sợ rắc rối. Hứng tình thế nào, ông bạn tôi tự tay bóc niêm phong. Chuyện xảy ra, thật khó tưởng tượng nỗi....
Các quan trong phòng tổ chức ty bỏ nhầm hồ sơ của lão tài xế trùng tên khác họ và chữ lót với tôi, vào phong bì. Nghe đâu lão này xin thôi việc từ năm 1976!
Chuyện xưa, kể cho vui, nghe xong rồi quên.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

Một chuyện ... anh yêu em.

Ở cái tuổi ngũ thập này rồi mà nói chuyện anh yêu em thì nghe sao quá lãng. Xin nói ngay từ đầu đây là chuyện kể, một chuyện có thật, người thật tên thật. Có điều chuyện ấy xảy ra cách đây gần ba mươi năm rồi!
Số là năm đó trường Pleiku chia hai, các thầy trẻ gọi vui là cu một, cu hai. Tôi không may mắn được ở lại cu nào, tôi bị điều về trường huyện khộng rõ lý do, hồi đó chỉ biết phục tùng, lời giải thích cho việc thay đổi chỗ dạy luôn là: theo yêu cầu của tổ chức!
Bạn bè ra trường cùng lứa đa số về trường mới Pleiku hai, ở Trà Bá, cũng có vài thầy cô Bắc kỳ về làm nòng cốt! Không còn nhớ hôm đó tại sao tôi lại ở lại trong khu tập thể của trường Pleiku hai. Khu tập thể của thầy cô còn dư vài phòng nên quý thầy cô nòng cốt cho vài em học sinh con gia đình nòng cốt ở trọ học. Trời mưa, tôi nhớ hôm đó chủ nhật trời mưa và gió, Hằng, học sinh nữ, đang thổi cơm trước hành lang của dãy nhà tập thể, bếp tắt vì mưa. Thầy Chúc, giáo viên  tăng cường, đã có vợ con ở bắc kỳ, dạy lý, thư ký công đoàn, gọi Hằng đem bếp vào phòng thầy nấu tiếp. Ôi tình cảm biết bao, các thầy giáo trẻ thì không bao giờ, bởi vì hồi đó đa số chúng tôi đều sống nhờ bếp tập thể, chẳng có khái niệm chợ búa bếp núc!
Không biết ông tướng nào bày trò bắc thang bằng ghế nhìn lén phòng thầy Chúc. Tôi chẳng nhìn thấy gì nhưng chỉ nghe câu: "...anh yêu em" từ phòng thầy Chúc và tiếng ghế sập cùng tiếng cười vở toang của mấy ông thầy trẻ...

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

Lãn ông... ông lãn

Bạn tôi, Trường Thành hơn tôi một tuổi, nhìn bên ngoài trẻ hơn tôi nhiều, con cái đã lớn, đã đi làm. Hôm trước, nói là thế chứ cũng cách đây hơn cả năm, chat với tôi trên yahoo, tôi muốn thấy cái dung nhan của bạn nay thế nào rồi, mới yêu cầu bạn bật cái webcam lên. Bạn nói chưa có webcam, để rồi nhờ thằng con mua gắn vô cái đã, dễ chừng hơn năm rồi mà không vẫn hoàn không. Rõ là chưa "ông" mà đã "lãn". Điều gì mình còn làm được xin cứ làm, đừng trông chờ vào ai, kể cả con trai.
Bạn tôi, Ngù Uyễn Tử hơn tôi hai tuổi, đang là phó hiệu trường chuyên. Có nhiều bài viết hay về chuyên môn, về quản lý, về sự đời... Tôi thiết tha muốn bạn có cái blog để post những bài này lên. Hẹn rày hẹn mai, cho đến bây giờ vẫn bặt vô âm tín. Không phải không làm được, mà xem chừng triệu chứng của bệnh già đến sớm.
Ba vợ tôi thủa sinh tiền, hôm tôi hạ cây mãng cầu trước nhà, nhờ cụ một vai vác với tôi quăng ra sau vườn, cụ bảo tránh ra, để cụ vác một mình, mắng tôi rõ là thư sinh trói gà không chặt. Cụ vác ra vườn xong, vào nằm cả tuần để dưỡng thương! Già mà không lượng sức chỉ làm tội con cháu!
Tôi có một ông bạn Mỹ, năm nay sáu mươi, sắp về hưu mà mỗi tuần đi vô phòng thể dục thể hình bốn dạo, lại có  partner rất trẻ mới ba tư, bạn trẻ cử bao nhiêu tạ, ông già gân cứ y thế mà lặp lại, mỗi khi gặp tôi cứ gồng bắp  thịt lên khoe. Hôm rồi phải vô nhà thương cấp cứu vì... ngộp thở. Già mà đua với trẻ cũng không xong.
Chiều nay một mình ngồi ngắm nghía rỉa lông, pha một bình trà mời quý blog - hữu đàm luận cho vui.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2009

Hồi đó... bây giờ!

Tôi mê truyện kiếm hiệp từ hồi còn bé, học lớp năm tôi đã biết trốn mẹ vào hầm để đọc. Hồi đó nhà ai cũng có hầm để tránh pháo kích, thường là hầm nổi trên mặt đất, một nửa ống cống nhôm đặt làm nòng, chung quanh chất bao cát. Hầm nào cũng có lỗ thông hơi phòng khi bị ngộp, đây chính là nguồn sáng yếu ớt cho tôi đọc truyện, vì vậy mà tôi mang tật cận thị từ hồi còn bé chăng?

Những người bạn lính của ba tôi thường cho tôi đọc ké những bộ truyện kiếm hiệp mà các chú thuê chưa kịp trả trước lúc hành quân. Tôi nhớ nhất là chú Đình, chú thường bắt tôi kể lại những tập mà chú chưa kịp đọc. Chú ngồi nghe chăm chú lắm, thỉnh thoảng còn hỏi tôi thêm chi tiết của những trận giao đấu nữa!

Có lẻ tính cách của những nhân vật trong truyện kiếm hiệp đã ảnh hưởng lên tôi khá mạnh. Nhất là “kiến ngãi bất vi, vô dõng giã”. Thời còn học sinh tôi hay đánh lộn có lẽ cũng tại vậy.

Trận thứ nhất là lúc tôi học lớp chín, từ trường Nguyễn Tri Phương Huế chuyển về Nguyễn Hoàng. Hôm đó chưa phải là ngày học chính thức, tôi lên trường coi đánh bóng rỗ. Chứng kiến một cảnh cướp trước mắt, một thằng cỡ bằng tuổi tôi buộc thằng bé học lớp dưới đưa cây bút pilot cho hắn, thấy thằng bé vừa khóc vừa trao cây bút quý cho kẻ cướp, tôi không dằn nổi cơn giận bèn… “vi”. Thằng cướp chẳng nói chẳng rằng bỏ đi ngay, sau khi tôi lấy lại được cây bút trả cho nạn nhân. Tôi thấy trong lòng sung sướng lắm. Thằng bé nhìn tôi ngạc nhiên rồi ù té chạy và la lên: anh chạy đi mau, bọn nó tới kìa! Chơi hả, thì chơi. Tôi không nhớ mình ra đòn như thế nào mà một tên gục ngay giữa sân còn những thằng khác thì chẳng làm gì được tôi và biến nhanh khi thấy thầy Phán giám thị xách gậy đến. Tôi được thầy mời vào phòng giám thị viết tường trình. Thầy nhắc tôi trên đường về phải cẩn thận. Sau này tôi mới biết tên bị tôi đánh gục là Thành loa, trong băng cột điện 192. Một băng du côn ở cửa tả cổ thành Quảng Trị thời trước 1972.

Tôi sẽ còn kể trận thứ hai, trận thứ ba, trận thứ tư…

Nhưng bây giờ tôi tự thấy mình không còn bằng đứa học sinh 15 tuổi thời đó. Tôi trở nên hèn tự lúc nào…Có lẻ nào bây giờ chỉ còn vế đầu: “kiến ngãi” và “bất vi”. Tất nhiên ở cái tuổi tri thiên mệnh này mà "vi" cái kiễu “teenage” thì có mà về chầu ông bà ông vãi sớm. Nhưng cũng phải có cách "vi" thích hợp.
Cầu mong cõi lòng mình đừng chai đá.

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2009

Chuyện cổ tích

Tôi đi cuốc ruộng, cũng được tính công điểm như một nông dân thực thụ, có điều tôi chỉ được bình bảy điểm cho một công, mười điểm là điểm tối đa. Ông tôi, ông là cậu ruột của ba tôi, được chỉ định làm đội trưởng, ông là lão nông tri điền, ruộng trong làng ông thuộc như chỉ trong lòng bàn tay. Ông lại là người ham việc, nên chúng tôi, những thằng thư sinh mặt trắng, luôn bị ông mắng.

Sau tháng tư bảy lăm, gia đình tôi về quê, tài sản mang theo từ Đà Nẵng là một nếp nhà gổ, được tháo dở từ ngôi nhà bếp cùng muời mấy tấm tôn cũ. Lợp kín mái nhà xong, không còn đủ để che phên. Bao gạo năm mươi kí lô, và một két sữa hộp mà tôi và em gái súyt chết vì đạn pháo khi vác từ tổng kho Đà Nẵng về nhà, hết sạch sau nửa tháng cầm cự. Mẹ tôi là người nhanh trí, nên ngay khi về quê đã kịp trồng môn, lòai môn ngọt, có chỗ đất trống là mẹ cấy ngay một bụi môn ngọt xuống, chính những bụi môn này đã cứu chúng tôi qua cơn đói trong những ngày khó khăn.

Trưa, tôi nhớ là một buổi trưa nắng đẹp, ông đến nhà tôi để nhờ ba tôi cạo râu, ba tôi rất khéo tay, có thể làm đủ nghề, từ thợ hớt tóc đến thợ gò thùng thiếc, thợ nề, thợ mộc, thợ sắt. Gặp bữa trưa hôm đó nhà tôi chẳng còn cái gì để ăn, mẹ tôi phải rang cám, trộn tí đường cho mỗi người một nửa chén, ăn để đi làm lại buổi chiều. Ông đã khóc, ông bảo ông la oan tôi, ăn thế này làm sao cuốc nỗi ruộng, ông giục mẹ tôi vào nhà ông, ông cho mượn lúa.

Sau này khi tôi đã đi dạy, lần nào về quê ghé thăm ông, ông cũng hỏi, lãnh đạo nghĩa là gì, hỏi rồi ông tự trả lời, lãnh đạo là dẫn đường, đảng lãnh đạo là đảng dẫn đường, nhưng dẫn đi đâu thì dân không biết. Có năm tôi ghé thăm, lúc này mắt ông không còn rõ, nhưng ông còn đánh cờ được, ông đánh cờ mù, ông đánh khá cao. Ông không hỏi tôi nữa, ông kể chuyện về đảng. Nhân có cuộc thăm dò dư luận gì đó, cán bộ về họp và dò hỏi ý dân đối với đảng, ông kể làm tôi giật mình. Mi có biết tau nói răng không, tau nói đảng như ông cọp, người già quê tôi ai cũng gọi cọp bằng ông, cán bộ hỏi tau vì răng, tau nói, đó mấy ông coi dân thấy mấy ông thì quá sợ, nói chi nghe nấy, tui sợ các ông còn hơn sợ … cọp!

Ông qua đời vào khoảng năm 83, 84. Không bíết ông sẽ nói sao nếu ông còn sống đến bây giờ. Con ông cũng có vài người là đảng viên, làm lớn.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Một bài thơ hay

Tiếng nói của thế hệ trẻ
Còn tôi hay không còn
Trước ngõ nhà em
Mỗi sáng hoa vẫn nở
Con cún có thèm hơi khách quen
Vẫn biết cọ xồm xoàm vào nỗi nhớ

Còn tôi hay không còn
Phố vẫn chật, đường vẫn đông
Những biển hiệu không ghi bằng tiếng quê hương
Vẫn khệnh khạng cứa vào nỗi nhục nhằn tuổi trẻ

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Trường Sa Hoàng Sa là của chúng ta
Của tuổi thơ nghe bà kể năm mươi đứa con theo Cha xuống biển
Của mòn vẹt ghế nhà trường viết thư cho các anh lính canh giữ đảo
Của những chuyến tàu chao chát yêu thương theo con sóng
Của niềm tự hào Biển bạc
Của cong oằn gánh hình chữ S

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Không súng ống không dao găm tôi có trái tim hình tam giác
Ba góc nhọn mài sắc thưở Bình Ngô
Không tổ chức không đồng phục tôi có mười đầu ngón tay nhỏ máu lên áo trắng nhuộm thành cờ
Vác sóng lên vai ném về phía giặc
Không hoan hô không ghi công tôi có bia thời gian ướp bằng muối
Miệng ngàn thu mặn mòi cá đói

Tôi phải đi
Ngay bây giờ
Biển chúng ta
Hải đảo chúng ta

Em đừng nép vào Tô Thị chờ chồng
Mau lấy chồng
Đẻ con
Nuôi cho lớn mau nhiều thằng tôi nữa
(Bằng sữa mẹ bằng nước vo cơm bằng cám heo cũng được
nhưng nhất định không bằng sữa bột Trung Hoa)
Thả chúng về phía biển
- Cha của mày
Đáng lẽ
Là người tử sĩ vùi sóng ở ngoài kia!

Trịnh Sơn

(sưu tầm trên mạng)

Tìm trong blog