Năm đó là năm 1986, sau khi thu hết các khoản lương, thừa giờ… để gởi cho thằng em đang học đại học ở Sài gòn có tiền xe về quê ăn tết, tôi đành phải hát bài xuân này con không về cùng với hai ông tướng, chúng tôi ở lại trường … chịu tết!
Tôi nói hai ông tướng vì, ông thứ nhất là Phát, chàng thanh niên hăm mốt hăm hai gì đó, đang trốn nghĩa vụ quân sự, từ Đà nẵng lên xứ núi rừng này để ẩn tích. Ông thứ hai là tay Quyền phó hiệu trưởng, quê ở Bắc, dường như không còn cha mẹ, nên cũng không có nơi để mà về.
Đắc tô hồi đó là huyện vùng sâu của tỉnh Gia lai Kontum, thị trấn Tân Cảnh là thị trấn duy nhất của huyện, trường cấp ba gồm sáu lớp, học sinh đến từ ba xã: Diên Bình, Tân Cảnh và một xã nữa tôi quên mất tên. Trường cấp ba này cũng là nơi “đi đày” của một số thầy cô cứng cổ… Ngôi trường khá khang trang, nghe đâu được tài trợ của quỹ giáo dục liên hiệp quốc. Trường nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ phía đầu thị trấn, muốn đến quán cà phê gần nhất cũng mất hơn nửa tiếng đi bộ, đồi bên cạnh là trạm dự báo thời tiết. Từ trường nhìn về phía tây, có thể thấy rất rõ ngọn đồi có căn cứ Charlie, nổi tiếng thời chiến tranh với bài hát: anh hởi anh, ở lại Charlie
Chiều ba mươi tết, ba thằng người, ba hoàn cảnh, đành phải hợp nhất thành chúng tôi! Tôi gọi tay Quyền hiệu phó và hỏi thật là nhà trường để lại cho mày bao nhiêu tiền chi tết, hắn bảo thật, chỉ đủ mua hai cân thịt lợn! Tôi gằn: lý do? Hắn nhăn răng: tay hiệu trưởng mượn quỹ về quê hết rồi! Ngao ngán, ba chúng tôi, tiền trong túi chỉ đủ mua hai cân thịt lợn, thất thểu đi phiên chợ chiều cuối năm, một ký thịt heo, vài bắp cải, hành ngò, bánh tráng, thực đơn đón giao thừa theo đề nghị của cu Phát, một phong pháo chuột, hồi đó chưa cấm đốt pháo, hết tiền mua rượu. Bốn giờ chiều ba mươi, tôi vào xí nghiệp dược chuyên sản xuất rượu tắc kè … xin rượu, cô nhân viên giọng Huế rặc thương tình cho luôn một can hai mươi lít rượu mía phế phẩm. Trên đường về trường, reo mừng chiến thắng, Phát đốt luôn phong pháo chuột!
Tám giờ tối ba thằng người bắt đầu say, chúng tôi hú qua đồi bên cạnh, trạm dự báo thời tiết, tiếng hú thảm như tiếng chó tru, tôi nghe tiếng hú trả lời giọng nữ, tôi nhớ mang máng là có hai cô nhân viên khí tương quê ở bắc qua cùng đón giao thừa …
Tôi tỉnh lại khi nghe tiếng xe hơi nổ dưới chân đồi, tôi thấy mình đang nằm ngoài hành lang dãy phòng học, Phát đang quấn mền và cây ghita nằm ngoài trời gần cột cờ, còn Quyền thì còng queo ngay trước cửa phòng ngủ của hắn, nơi chúng tôi đón giao thừa đêm qua!
Hồi đó thần kinh tôi khá tốt, tôi tự hỏi xe ai đang lên trường? Sao mình lại nằm ở đây? Tỉnh dần tôi mới nhớ hôm nay mồng một đầu năm…
Tôi tiếp bà phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã và chồng bà, bí thư thị trấn, trong phòng tập thể giáo viên, phòng của tôi: một chiếc giường gổ, tấm chiếu và cái mền mỏng tanh. Trên tường tôi vốn tính hay tếu, treo mấy lát gổ thô nhám ghi chữ: BÁNH CHƯNG, RƯỢU, MỨT… để đón tết.
Gọi là bà phó chủ tịch nhưng bà ấy nhỏ tuổi hơn tôi, cả hai vợ chồng, áo mũ tề chỉnh lắm, dự định lên chúc tết nhà trường, nhưng cả hai nín lặng, tôi đọc trong mắt bà dường như có đọng nước … Cả ba người chẳng ai nói về tết, chẳng ai dám nói…
Tay Quyền phó hiệu trưởng không biết đã tỉnh chưa, trốn biệt không vào. Ngượng ngập hay thương hại, hai người chào tôi ra về.
Tôi đi tìm Phát và Quyền, chúng còn mơ mơ, tôi bảo phải dọn phòng, thế nào cũng có tin vui trong giờ tuyệt vọng. Cả hai đứa đều không tin, nhưng cuối cùng chiến trường cũng được thu dọn, một cành thông cắt vội được dựng trong chiếc bình hoa cỡ lớn đặt trên bàn. Không trà, không thuốc, cái phích nước duy nhất của phòng hiệu trưởng chỉ có nước sôi…
Hơn một giờ sau, chúng tôi nghe tiếng xe nổ, lần này dường như không phải một chiếc. Cả chủ tịch lẩn phó chủ tịch huyện đều đến thăm. Vì tò mò, vì thương hại, tôi không rõ, nhưng quà tết muộn đã đến. Tôi cười khan với Phát: Sẽ có nhiều tin vui nữa, sau giờ no bụng…
Dù sao đi nữa cũng là con người với nhau giữa mùa xuân.
Chuyện tôi nhớ, có thể không còn chính xác, nhưng không hề hư cấu. Có thể đó đã là chuyện cổ tích của các thầy. Mong rằng chỉ là cổ tích, mãi mãi là cổ tích.
3 nhận xét:
Cũng mong mãi mãi là cổ tích thôi, thầy Thanh nhỉ?
Nhiều nhà quá hí. VB
Đó không chỉ là cổ tích, con người ở Đăk Tô là như thế!
Đăng nhận xét