Làng tôi đất hẹp người đông nên nhiều bạn trẻ khi ra riêng phải lên làm nhà trên xóm cát. Có một nương trống giữa làng nhưng không ai dám làm nhà ở, đó là nương Lăng.
Làng tôi có ruộng và nương. Ruộng: đất thấp trồng lúa, nương: đất cao làm nhà, trồng cây. Nương của mỗi nhà thường là một sào ta, chừng ba trăm mét vuông. Trước đây nhà nào cũng có ruồng tre bao quanh, sau năm bảy lăm, phần vì bom đạn phá hủy phần vì cần cái ăn: hột lúa, nên đa số tre bị phá để trồng lúa. Cả làng dường như chẳng còn cây ăn quả, ruông bao quanh nhà, ruộng vào tận mái hiên! Bây giờ khá hơn, nhiều nhà lại lấp ruộng làm nương, làng tôi bắt đầu có cây ăn trái, tre mọc trở lại.
Nương Lăng vẫn là vạt đất trống, làng cho đấu để trồng màu. Tương truyền đã có người bạo gan làn nhà ở trên nương này nhưng nhà phát hỏa, nên sau đó không ai dám nữa!
Theo bà nội tôi kể, thì nương Lăng xưa là mộ của ông Giám trong họ tôi, ông làm quan giám trong triều, bà cũng không biết quan giám là quan gì nhưng bà bảo là quan to lắm, ông chọn huyệt đất cho ông trước khi qua đời. Nghe đâu bốn góc của khu đất ông cho chôn bốn con mọi sống! Không biết con mọi có phải người Chiêm xưa không?. Chính hồn bốn trinh nữ này là thần canh khu mộ trung thành. Họ Nguyễn Đình tôi nghe đâu thời đó có nhiều người làm quan to lắm. Do ngôi mộ này kết! Họ sang làng mạt, vì vậy người làng ganh ghét người trong họ Nguyễn. Lại có truyền thuyết cho rằng làng có tranh chấp với làng trên về ranh giới, dân làng cậy có người đang làm quan trong triều nên đệ đơn kiện, không ngờ vị quan mang họ Nguyễn không thiên vị, nên làng đâm giận người họ Nguyễn! Chuyện này không biết có không, nhưng bây giờ có vạt ruộng trong làng mang tên Lập Tụng, và chuyện tranh chấp ranh giới giữa làng tôi với làng trên vẫn còn!
Trong làng phao lên tin là ngôi mộ ông Giám bị động, nếu không dời thì con cháu trong họ sẽ gặp chuyện không lành. Họ đi coi bói, Thầy bói trong vùng đều bị làng mua nên mười thầy đều nói về một quẻ: mộ động phải dời!
Bà tôi kể, khi đào mộ lên, xác ông Giám vẫn còn nguyên vẹn, chỉ tan thành nước khi mặt trời chiếu vô. Gấm, nhiễu, sô, sa chôn theo ông, người ta lầy lên phơi thành một sào dài dọc đường làng! Bà tôi có giữ được một đoạn vải, người ta bảo dùng may áo cho con nít mặc để tránh ma! Mộ được dời ra phía sau cát, trên mộ có làm miếu thờ, gọi là miếu ông Giám, miếu này ông thân sinh tôi có thấy, nhưng sau năm bốn lăm thì bị đập phá.
Tương truyền sau khi dời mộ, người họ Nguyễn vẫn cứ còn làm quan, Làng đi coi thầy địa lý, rồi cho đào một giếng nhỏ để cắt long mạch, giếng này có tên là giếng Họ, nước giếng này luôn có màu đỏ, người ta bào long mạch bị đứt. Từ đó họ tôi hết người làm quan.
Giếng Họ có thật, chính tôi đã thấy. Chắc bây giờ cũng không còn. Miếu thờ ông Giám cũng có thật, ông thân sinh tôi thấy, bây giờ cũng không còn. Ông quan Giám là ai, quan gì? Gia phả họ tôi trong chiến tranh cháy mất, chỉ ghi đến đời ông cụ cố (vãy) của tôi. Có mộ kết để con cháu làm quan không là điều không thể biết. Con cháu họ Nguyễn bây giờ người làm to nhất là đến chức hiệu trưởng trương làng! Nương Lăng vẫn còn đó, vẫn không ai dám làm nhà ở.
1 nhận xét:
Thanh ơi! không biết vì răng lúc ni tao thấy mệt mỏi lắm rồi, mà nợ đời còn nặng quá, chưa thể vui thú yên hà. Muốn tìm Tản Đà làm vài be cho say tít cung mây! Nhưng than ôi Tản Đà đã chết rồi.
Niệm
Đăng nhận xét