Tôi mê truyện kiếm hiệp từ hồi còn bé, học lớp năm tôi đã biết trốn mẹ vào hầm để đọc. Hồi đó nhà ai cũng có hầm để tránh pháo kích, thường là hầm nổi trên mặt đất, một nửa ống cống nhôm đặt làm nòng, chung quanh chất bao cát. Hầm nào cũng có lỗ thông hơi phòng khi bị ngộp, đây chính là nguồn sáng yếu ớt cho tôi đọc truyện, vì vậy mà tôi mang tật cận thị từ hồi còn bé chăng?
Những người bạn lính của ba tôi thường cho tôi đọc ké những bộ truyện kiếm hiệp mà các chú thuê chưa kịp trả trước lúc hành quân. Tôi nhớ nhất là chú Đình, chú thường bắt tôi kể lại những tập mà chú chưa kịp đọc. Chú ngồi nghe chăm chú lắm, thỉnh thoảng còn hỏi tôi thêm chi tiết của những trận giao đấu nữa!
Có lẻ tính cách của những nhân vật trong truyện kiếm hiệp đã ảnh hưởng lên tôi khá mạnh. Nhất là “kiến ngãi bất vi, vô dõng giã”. Thời còn học sinh tôi hay đánh lộn có lẽ cũng tại vậy.
Trận thứ nhất là lúc tôi học lớp chín, từ trường Nguyễn Tri Phương Huế chuyển về Nguyễn Hoàng. Hôm đó chưa phải là ngày học chính thức, tôi lên trường coi đánh bóng rỗ. Chứng kiến một cảnh cướp trước mắt, một thằng cỡ bằng tuổi tôi buộc thằng bé học lớp dưới đưa cây bút pilot cho hắn, thấy thằng bé vừa khóc vừa trao cây bút quý cho kẻ cướp, tôi không dằn nổi cơn giận bèn… “vi”. Thằng cướp chẳng nói chẳng rằng bỏ đi ngay, sau khi tôi lấy lại được cây bút trả cho nạn nhân. Tôi thấy trong lòng sung sướng lắm. Thằng bé nhìn tôi ngạc nhiên rồi ù té chạy và la lên: anh chạy đi mau, bọn nó tới kìa! Chơi hả, thì chơi. Tôi không nhớ mình ra đòn như thế nào mà một tên gục ngay giữa sân còn những thằng khác thì chẳng làm gì được tôi và biến nhanh khi thấy thầy Phán giám thị xách gậy đến. Tôi được thầy mời vào phòng giám thị viết tường trình. Thầy nhắc tôi trên đường về phải cẩn thận. Sau này tôi mới biết tên bị tôi đánh gục là Thành loa, trong băng cột điện 192. Một băng du côn ở cửa tả cổ thành Quảng Trị thời trước 1972.
Tôi sẽ còn kể trận thứ hai, trận thứ ba, trận thứ tư…
Nhưng bây giờ tôi tự thấy mình không còn bằng đứa học sinh 15 tuổi thời đó. Tôi trở nên hèn tự lúc nào…Có lẻ nào bây giờ chỉ còn vế đầu: “kiến ngãi” và “bất vi”. Tất nhiên ở cái tuổi tri thiên mệnh này mà "vi" cái kiễu “teenage” thì có mà về chầu ông bà ông vãi sớm. Nhưng cũng phải có cách "vi" thích hợp.
Cầu mong cõi lòng mình đừng chai đá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét