Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2009

Niềm vui

Con gái đầu Hồng Ân tốt nghiệp trung học ưu hạng (honors diploma). Cháu Vy cũng vậy. Vui ghê! Chiều nay đại gia đình ăn mừng. Red lobster...

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Đọc lại...

Bạn cùng lớp ngày đó, bây giờ...

LỚP TOÁN ĐHSP HUẾ (1975-1979)

Dường như có một phép co để co không gian thành một khoảng mở, và thực có trong mỗi người một phép co để co thời gian quá khứ trở về hiện tại. Ba mươi năm... hay ngày hôm qua?

Có những sự việc tưởng rằng đã quên, đã mất nhưng có một lúc trong cuộc đời, chúng hiện lại rất rõ. Không phải để chỉ bùi ngùi, không chỉ để luyến tiếc nhưng phải chăng chúng đã chuyển hoá thành năng lượng trong cuộc đời chúng ta?

Xin một lúc để trở lại với bạn cùng lớp tôi. Ngày đó, bây giờ...

Đây chỉ là hồi ức rất riêng của một thành viên "lớp tôi - ngày đó" . Coi như là một phép co tạm thời, phép co "lỗi" vì ký ức nhiều khi mù mờ, có thể không nhớ hết, những bạn tôi không nhắc ở đây có lẻ đã chìm vào quá sâu trong vùng nhớ. Sẽ có một lúc trong cuộc đời tôi sẽ nhớ ra. Xin hãy

đọc cho nhau nghe trong hiếm hoi những lần gặp gỡ. Chỉ để ... cười cho đỡ nhớ mà thôi.

Thái Huy Bích: ăn chung mâm với anh trong suốt ba năm. Vẫn coi anh như người anh cả. Lúc chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu (1987) mình có thư cho anh. Anh biên thư trả lời dài đến bốn năm trang. Lần anh vào công tác VT, mình bỏ "cua" đón anh nhưng không gặp được. Trước khi rời quê hương mình có điện thoại báo cho anh. Anh có còn đương chức PCT Huyện Nam Đàn nữa không?

Hoàng Văn Ngô: Nhớ anh hôm đó mang đâu về một can nước mắm ngon, cứ tối tối rót cho mình một ngụm, uống cho đở rét. Nhớ anh khuya bí mật đánh thức mình dậy đi ăn cháo lòng. Mình sợ anh phê bình không dám nhảy tường cư xá, ai ngờ anh nhảy trước! ăn chung mâm vói anh ba năm, mặc áo quần, mang dép bộ đội của anh. Ôi cái thời đói khổ, sao mà đầm ấm thế.

Nguyễn Phát: Học chung với Phát từ thời phổ thông. Anh chàng này lang ben đầy người và bơi rất giỏi, lại có tài chích lể, cạo gió. Không biết Phát còn nhớ trận đánh lộn chí tử với Trần Thành tại nông trường Tân Lâm mà có lẻ đến bây giờ trong lớp ít người biết. Mùa hè 81-82 mình và Nghiêm có ghé nhà Phát ở quê nhưng không gặp.

Trần Thành: Thủ môn đội bóng đá của khoa. Nóng nảy, bộc trực. Kỷ niệm đáng nhớ với Thành là hôm đọc kết quả thi môn xác suất, mình chắc mẫm là thiếu điểm vì chẳng thích môn này. Ai ngờ lại được điểm 5, còn Thành thì 3 điểm. Nghi có sự nhầm lẫn, nên hai thằng lên gặp thư ký khoa(Lê văn Thìn) xin coi lại bài. Kết quả là mình thì vẫn cười, còn Thành thì mếu!. Đời người ngắn ngủi, mày đi trước bọn tau rồi.

Trần Ngọc An: Nhớ những ngày thực tập ở Nguyễn Huệ đêm nào về cũng nhờ mình giải toán, thảo luận cách dạy! Gặp lại An ở Đà Nẵng trong màu áo bộ đội. Lần gặp mới đây An là PHT trường THBC ở Quảng Trị.

Thiều Quang Anh: Mập mạp và vô tư. Vẫn còn nhớ món mắm trứng cá chuồn, hắn đem từ nhà ra cư xá. Dường như nhà hắn có tàu đánh cá. Nghe đâu hắn đã nằm dưới lòng biển sâu. Thương thật.

Hà Thúc Công: Bộ râu cụ non ngày xưa, giờ thành râu ông cụ rồi. Cha này hồi đó ít nói nhưng rất tình cảm. Lần cuối gặp Công, hình như tại quán cà phê nhà Công. Năm 2000, buổi trưa, mình có tìm lên quán cũ, nhưng quán đóng.

Trần Hoà: Thư sinh, trắng trẻo, nốt ruồi duyên không biết làm bao nhiêu cô đau khổ? Nói năng nhẹ nhàng, rất Huế. Mình nhớ Hoà rất tháo vát trong việc an sinh của lớp lúc đi lao động xa.

Hoàng Đức Hải: Nhớ rất rõ giọng teno của nó vói bài hát "Ta đi trong ánh sao vàng rừng cờ tung bay". Thế mà nó đã đi rồi.

Nguyễn Đình Quang: Đẹp trai, cao như tây. Học chung với mình năm 12 Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Nhiều lần bán gạo và công nghệ phẩm rũ nhau đi uống cà phê quốc doanh, bị anh Bích dũa, cười huề. Nghe đâu qua Mỹ nhưng không thích nên về lại Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Quang: Có một lần Quang kêu mình về nhà nó ở Vĩ Dạ để uống nước trà. Mình còn nhớ cái cảm giác nhẹ nhàng khi ngồi trong gian nhà tranh nhỏ, tỉnh lặng. Nhắp trà quốc doanh trong bộ bình trà bằng gổ, nhỏ xíu. Hồi đó mình đã thấy có một điều gì đó rẩt thanh sạch trong tâm hồn của Quang. Năm 80 có ghé Sơn Tịnh thăm Quang. Hắn vừa dạy vừa sửa đông hồ.Quang kể mình nghe có lần học sinh bê lên đôi giày há mỏ hỏi thầy có sửa giúp được không! Không biết bây giờ Quang nơi đâu?

Nguyễn Thái Hưng: Theo mình, Hưng sún là thằng giỏi môn giải tích nhất lớp, nó mê cả đại số đồng điều lẫn tôpô đại số. Nhớ dạo đó thầy Đoàn Quỳnh vào giảng chuyên đề tôpô.Trong lớp chỉ có Hưng với mình theo và chỉ có Hưng là cố giải hai bài toán thầy để lại trước khi ra Hà Nội.

Năm 88, gặp em gái Hưng ở Đồng Nai. Nghe đâu Hưng bị tai nạn không thể đi lại được, hiện ở Sài Gòn.

Hồ Sĩ Khoa: Nhà hùng biện của lớp. Mỗi lần cậu này phát biểu là phải tránh xa vì sợ .. nước bọt văng trúng mặt. Dường như đang là chủ cây xăng lớn tại Sài Gòn.

Hồ Phú: Non bợt, đến nổi đi thực tập, đến thăm nhà phụ huynh, nguời ta lầm tưởnglà bạn của con mình! Giỏi môn đại số, cùng Dương Cao Danh và minh làm khoá luận đại số "tựa môđun" !

Dương Cao Danh: Không biết giọng của anh có còn khào khào nữa không? Rất giỏi toán sơ cấp, đi bộ đội về nhưng học rất tốt. Học chung với mình từ năm thứ ba.

Võ An Bình: Thằng bạn già. Tưng tửng, ngạc nhiên mỗi lần thấy kết quả thi của mình đạt trên trung bình! Được về dạy ở quê là tuyệt rồi Bình ơi.Thế nào tau cũng tìm mi khi về quê.

Nguyễn Thị Việt Nga: Múa "Bài ca hy vọng" chẳng khác diễn viên chuyên nghiệp.Năm 86 có ghé trường Nga dạy, vẫn nhiệt tình với bạn bè như thủa sinh viên.

Hoàng Ngọc Vĩnh: "Chị Vĩnh" ai quên nỗi "chị". Gặp lại anh năm 2001 tại Vũng Tàu, mình quá ngạc nhiên. Vĩnh già đi nhiều, dương như hơi bị "đời hành". Hai đứa ngủ chung một đêm, kể đủ thứ chuyện. Mong rằng anh mau đạt đươc ước nguyện.

Nguyễn Văn Quốc: Có điện thoại cho Quốc lúc mình còn ở Vũng Tàu. Vẫn nhớ anh chàng đẹp trai, tán gái giỏi này với những bài thơ rất có hồn.

Phạm Sỹ: "arctgx". Nỗ lực dữ dội, "keng" thẳng luôn luôn. Có còn giữ cuốn nhật ký ghi lại "hành vi ...vi hành" của phòng A6 không?

Nguyễn Nhẫn: Lạnh lùng nhưng rất tình cảm và thẳng tính. Có còn nhớ lần cạy tủ của Phạm Sỹ không? Nhai hết mấy tảng đường đen của "arctgx". Gặp lại Sỹ nhớ trả giùm tau hai cục nghe.

Trương Đình Châu: Học chung từ năm thứ ba. Cao, đen rất biết điều. Bặt tin từ lúc ra trường.

Nguyễn Hữu Đôn: Cận nặng, nhưng không mang kính. Nhớ lần làm bài kiểm của thầy Hà, cậu cuống lên lấy bài mình chép vì không đọc kịp trên bảng! Gặp Đôn và ngủ lại với nó một đêm ở Kon Tum.

Nguyễn Văn Hải: Học chung năm thứ tư. Mê bóng đá hơn toán. Có còn hàm râu quai nón?

Hồ NgọcThắng: Cây violon xưa có còn? Nếu có gặp Hồ Cẩm Hà cho mình gởi lời thăm.

Hà Thúc Dũng: Nhớ Dũng với mấy cái mô hinh bằng những tấm phim phổi ngâm nước vôi, nhớ luôn cái tài đóng sách. Năm 86 mình có ghé trường Dũng và Quỳnh Tiên nhưng không gặp Dũng. Đọc bài Phò viết, biết Dũng va Quỳnh Tiên có con lớn và thành tài, rất mừng.

Mai thị Quỳnh Tiên: Chỉ có hai người bạn trong lớp biết mình hay cúp cua là Niệm và Quỳnh Tiên. Cô bé này ngồi ngay trước mặt mình, lúc muốn chuồn là mình khều chân vào ghế nàng, rồi chuyền vở lên nhờ chép hộ. Năm thứ hai đi lao đọng Tân Lâm, tội nghệp "hoa lạc giữa rừng gươm". Bọn mình treo cho nàng chiếc võng bắc ngang qua giường của các chàng vệ sĩ! Mới đó mà đã là bà nội, bà ngoại rồi. Mau thật...

Hoàng Công Thạnh: Tay ghita của lớp, không biết giọng hát của Thạnh bây giờ còn quyến rũ như thủa nào nữa không?

Võ Văn Thành: Xướng âm tuyệt vời, cây ghita cổ điển thứ thiệt. Điểm bài thi môn LS Đảng cao nhất lớp! Gặp Thành lần cuối ở Kontum, vẫn chải chuốt, vẫn rất điệu và rất Huế. Năm 88 mình có đến tìm Thành tại BTVH Đồng Nai nhưng không gặp.

Trương Anh: Chữ viết xấu lắm, nhưng giỏi môn giải tích. Hơi giống người dân tộc. Sau này nghe đâu là PCT huyện DakNong ở BMT, thật hay. Có lần Nghiêm gọi mình vào SG chơi vì có Trương Anh xuống phố, nhưng hôm đó trời mưa quá lớn, tiếc thật.

Lê Chí Vy: Chữ xiên rất đẹp. Giọng Mỹ Lợi rất quyến rũ. Nghe đâu dạy ở BMT rất thành công.

Trần Đình Quyền: "Thần bút" chữ của Quyền tuyệt đẹp, nhất là chữ Gôtich. Ngày đó thường cùng mình làm bích báo của lớp.

Võ Quyền: Có còn những cú đập sấm sét nữa không? Những năm tháng ở Đakto có làm hao sức voi của tay bóng chuyền số 1 của trường ĐHSP dạo ấy?

Dương Văn Đức: Gạo số 1 của lớp. Mình nhớ Đức hồi đó dùng giấy kẻ ngang đến hai lần, lần đầu bằng bút chì, lần sau bằng bút mực, khổ thật. Năm 80 có ghé nhà Đức ở quê nhưng không gặp.

Phan Đạt: "Lão nông tri điền", mình nhớ đi lao động việc gì khó là có Đạt. Hiền khô. Không biết bây giờ ở đâu?

Ngô Tùng Linh: Chơi ghi ta tài tử, số một cầu lông, huấn luyện cho các chị thật tài. Năm 81 gặp Linh ở Đà Nẵng rất nhiệt tình với bạn bè.

Trương Ký: Bộ ba "Ký - Ninh - Nga",sau bữa ăn tối thường rũ mình ra bờ sông Hương đấu chuyện hoang. Tay Ký này có bàn tay rất khoẻ. Dạy ở BMT cùng với Thiên, không biết bây giờ ra sao.

Nguyễn Ninh: Bê rê đen, kaki vàng, phong cách hướng đạo sinh vẫn còn rất nét. Kỷ niệm với Ninh có nhiều. Nhớ nhất là lần đi Tân Lâm đi tắm đêm, chạy sứt móng chân! Nhớ những lần cắt dán băng rôn cho nhà trường, hai đứa đói bụng cùng ăn hồ dán!

Hoàng văn Thiên: "Ới chàng trai đó ơi.." Thiên múa nhuyển lắm, cùng đi thực tập với mình và An ở Nguyễn Huệ. Năm 2000 mình có gặp thân sinh của Thiên, kể chuyện về Thiên, ông bật khóc. Thiên qua đời rất sớm trong cơn sốt ác tính của vùng nước độc tây nguyên.

Nguyễn Văn Nhân: Trắng trẻo đẹp trai, rất "sữa" làm thơ rất có hồn, thẳng tính. Năm 2002 gặp lại Nhân ở Quảng Trị, vẫn gọi mình bằng anh. Phong thái như thời sinh viên, vui thật. Nhưng hôm đó có nhiều "bạn" nên không tâm sự về lớp cũ được. Sẽ có dịp gặp lại.

Nguyễn Hữu Thu: Ít nói, giỏi môn giải tích hàm, có lần thầy Tiếp phải mời Thu lên giải thích về cách giải của Thu một bài toán thi môn giải tích hàm.

Nguyễn Thuyết: Lùn, nhỏ nhưng rất chững chạc, hay đặt ngược vấn đề. Nhiều khi nêu lên những câu hỏi nhức đầu.

Lê Văn Hạp: Dường như Hạp là sinh viên miền nam được vô đoàn đầu tiên của lớp. Người nhỏ con, giọng nam cao the thé, rất chững chạc. Giỏi giải tích, tổ trưởng tổ 3. Gặp lại Hạp ở Huế sau gần 30 năm, nhưng không thấy hắn bị già. Có lẻ ít bị "đời hành". Nhận ra Hạp ngay trên tấm hình cán bộ khoa toán. Cũng trên tấm hình này mình nhận ra anh Nam, Trần Vui, Nguyễn Hoàng, riêng thầy Tuyến thì mình không nhận ra nổi, do bộ râu đã bạc của thầy. Ba mươi năm rồi còn gì!

Nguyễn Đình Dũng: Nhớ anh chàng này nửa cười nửa mếu lúc đi lao động chặt cây trong rừng Tân Lâm, vác không nổi. Anh nào cũng rớm nước mắt. Không biết bây giờ ở đâu?

Hà Hữu Long: Cũng thuộc loại vua giải tích. Hiền vô cùng, ở Huế mà chỉ biết độc con đường từ nhà đến trường.

Lê Hoành Phò: Năm 89 tình cờ mình thấy cuốn sổ tay toán học của Phò trên bàn học sinh và dường như báo Tiền Phong có viết bài về thầy giáo trẻ dạy giỏi Lê Hoành Phò. Đọc bài viết của Phò trên web,cảm động lắm, thẩn thờ đến mấy ngày. Chuyện 30 năm trước mà ngỡ như mới hôm qua.

Nguyễn văn Hùng: "Nằm trùm mền học là tốt nhất" mình nhớ mải phát biểu của Hùng trong "hội nghị" kinh nghiệm học toán của lớp. Dạng chữ viết của Hùng mình rất thích, nhưng ít người đọc nỗi!. Nghe đâu dạy ở Phú Mỹ, Bình Định.

Nguyễn Bá Lành: Vẫn nhớ Lành học chung với mình năm 1 và nửa năm thứ 2. Giờ nghe đâu làm phó xếp ga Huế.

Trần Bá Hùng: Dẽo miệng, trắng trẻo. Tán giỏi nhưng thỉnh thoảng cà lăm. Bặt tin từ lúc ra trường,

Tạ Văn Hùng: Chưa gặp lại Hùng được, mặc dù nói chuyện với anh "vuông" này hoài. Nằm chung giường với anh lang ben này mấy năm mà không bị lây kể cũng đại phúc. Hiện ở California.

Hồ Văn Minh: Gặp lại Minh sau hơn 30 năm. Phong cách vẫn như xưa, vẫn "nghĩa, rằng, là". Vẫn ôm hoài bảo phải làm được cái gì đó cho quê hương. Hai đứa nói chuyện xưa nhhắc bạn cũ gần thâu đêm.

Hoàng Đức Nghiêm: Hắn không còn là bạn, hắn đã trở thành người thân của gia đình mình. Gặp lại Nghiêm như gặp lại người bà con gần gủi. Dường như Nghiêm đã đạt đến một mức cao trong suy gẫm cuộc đời. Ôi thời gian đi về đâu? Mới đó mà 5 năm rồi!

Đinh Ngọc Niệm:Thằng bạn thân nhất thời ĐH. Nhiều lúc nhớ đến "mờ mờ nhân ảnh", quên cả hiện tại, lái xe lạc đường, vợ càu nhàu, con chế giễu! Lâu quá rồi không gặp được nhau. Sẽ có một ngày tìm lại góc bờ thành hai đứa cùng nhảy rào đi uống cà fhê, tìm lại gian nhà hai đứa cùng nhau giải toán và về Kế Võ ...

Đính ... chính

Thiều quang Anh và tôi

Sau khi gởi bài này cho các bạn trong lớp đọc, có bạn cho mình biết Thiều Quang Anh vẫn còn sống nhăn. Mình lên net và biết....

Thiều Quang Anh: Mình đã liên lạc với ông tướng này, không phải ở dưới hà bá, mà ở tại Miami, Florida, USA. Con cái thành đạt lớn hết, nhưng vợ còn trẻ đẹp. Gặp nhau nói chuyện một đêm, vẫn như xưa, vẫn tệch toạc, vẫn xuề xoà. Có điều rất lạ là Thiều Quang Anh còn nhớ rất tốt về toán.

chuyện vui: Năm 2001 tôi còn đi dạy ở trường PTTH bán công Nguyễn Trãi, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Có một anh chàng đến xin hợp đồng dạy toán, trình bằng cho ông hiệu trưởng, ghi năm tốt nghiệp là năm 1979, khoa toán lý ĐHSP Huế, Lộc (hiệu trưởng) biết ngay là bằng giả, vì làm gì có khoa toán lý trong trường ĐHSP Huế, nhưng bíết tôi tốt nghiệp năm 79, Lộc gọi tôi sang để nhận ... bạn. Ông "bạn" một phen mất cả hồn vía.

Hà ...ơi

Hồi đó tôi quen Hà qua Ái Hoa, nhưng Hoa "biết" tôi, nên tôi quen Hà. Hà học ban A còn tôi ban B, chung trường nhưng không chung lớp, nhưng chúng tôi có cái chung rất thân thiện là chung trường cũ Nguyễn Hoàng. Tóc Hà hồi đó dài lắm, dài đến nhượng chân và tôi cũng đã biết ngắm mỗi lần tan học, lúc Hà đạp xe phía trước còn tôi theo sau. Thỉnh thoảng Hà bị bọn con trai nghịch xả xi lốp xe, tôi cũng biết đem xe nàng đi bơm hộ, nhưng khi đến tiệm xe đạp thì nàng dành, làm tôi đứng ngẩn tò te...Nhà nàng ở phố, nhưng cuối tuần Hà thường qua thăm nhà dì nàng bên kia sông Hàn, nhà tôi cũng ở phía đó. Hà đòi vô nhà tôi thăm, nhưng tôi từ chối. Qua phà, tôi cũng biết phải dẫn xe nàng qua trước rồi mới đến xe mình, nhưng tôi chưa kịp làm thì nàng đã lẹ tay dẫn xe giúp tôi... Tôi cũng biết làm thơ, bài thơ tôi viết bâng quơ về mắt và lá, mắt nàng và lá cây trên đường tan học, (không biết làm sao mà Bùi Xuân Ngoạn còn nhớ, cậu này còn nhớ và đọc lại cho tôi hồi tôi học năm 3 đại học). Thỉnh thoảng Hà có nhờ tôi giải toán, tôi cứ lần lần lữa lữa... Tôi thích trương Phan Chu Trinh có lẻ là do thích thấy Hà mỗi lần đi học, tôi âm thầm viết thư tình cho nàng lúc nào không nhớ, nhưng tôi nhớ tôi viết về một dòng sông, dòng sông suối tóc của nàng, thư tình tôi viết trong nhiều tháng, cho đến một ngày, tôi muốn trao, thì chiến tranh ... 1975. Tôi đến trường lần đó, không biết là lần cuối. Dân Huế, Quảng Trị tràn vào đầy trường. Tôi đau đớn. Tôi như người mất hồn, đi tìm ba tôi ở bến tàu, gặp ai đội mủ đen tôi cũng hỏi và nhận được câu trả lời tương tự, chắc là vào sau, không rõ...Gia đình tôi về Quảng trị sau đó với may mắn không mất người thân. Xe chạy qua sông Hàn, tôi bổng dưng gọi Hà ơi... Hà ơi. Cuối năm thứ nhất ở trường ĐHSP Huế, dường như, rất mơ hồ tôi thấy Hà cùng anh trai là anh Sang trong cư xá sinh viên. Cho đến bây giờ tôi vẫn mơ hồ: Hà đến đã tìm tôi ?...

Một thoáng Phan Chu Trinh

Năm học 1974-1975 tôi chuyển về học trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, sự chuyển trường này cũng lắm nỗi nhiêu khê, nhà trường đòi hỏi, phải có quyết định thuyên chuyển công tác của ba tôi, phải có chứng chỉ học trình của tất cả các năm trung học, tôi phải trở lại trường củ từ lớp 6 cho đến 11 để xin chứng chỉ học trình. Thầy dạy toán cũng là giáo sư hướng dẫn, thầy Phan Thanh Kế, thầy dạy hay nhưng cũng hay thiên vị, phân biệt đối xử giữa học sinh "12B3 của thầy" với học sinh trường ngoài chuyển vào. Tôi còn nhớ, tôi bị thầy "xay vụn" từ 18 điểm xuống còn 13 điểm trong một bài kiểm tra trắc nghiệm. Từ đó về sau tôi chỉ làm bài đến 15 điểm thì thôi! còn 5 điểm chừa lại cho thầy, để khỏi bị khó dễ! Sau này khi đi dạy toán tôi tự nguyện với lòng mình, không bao giờ bước lặp trên "dấu lầy" của thầy Kế. Học Văn với thầy Trần Đình Quân, tôi rất thích cách dạy của thầy, thầy đã tập cho chúng tôi những bài hát rất vui, để xoá tan cơn buồn ngủ khi học giờ đầu của buổi chiều, bài văn đầu tiên là bình luận câu "văn dĩ tải đạo", tôi được 16 điểm, điểm khó đạt của môn văn, (dường như hồi đó tôi đã biết mở rộng đến đề tài nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh). Dạy Anh Văn là thầy Tôn Thất Lan, quý thầy hồi đó còn lưu luyến đến essay nên điểm tiếng Anh của tôi thường là điểm giỏi, thầy Lan cũng nỗi tiếng với 10 bài tếu ca. "Bà cai mà làm bài ca...khuyên anh em ta không ăn quà trong lớp"...Tôi cũng được học Anh văn với thầy Uẫn, chỉ vài giờ thôi nhưng tôi thực sự khâm phục vốn từ của thầy. Lý hoá tôi học với thầy Ngô Hào, thầy Hào chỉ giỏi dạy lý, còn hoá thì phải phục thày Trí. Thầy Hào rất nóng tính, tôi đã bị thầy gõ đầu khi lúng túng trong một lần lấy căn bậc hai, thầy có những cơn nóng rất bất tử, mắng học sinh hết cá hết nước, có lần thầy ném cả sách vở của Nguyễn Đình Quang qua cửa sổ xuống lầu rồi đuổi ra ngoài không duyên cớ! bọn tôi sợ thầy nhưng không ghét.... Tôi học trường Phan Chu Trinh chưa xong đệ nhất lục cá nguyệt thì chiến tranh... Thực tình, tôi không có tình cảm gì sâu sắc với quý thầy dạy tôi năm 12 ở trường này, có lẻ vì thời gian học ở đây quá ngắn và quý thầy Nguyễn Hoàng trường củ đã quá gần gủi ...

tằng hắng

Hình như tôi đã đọc được đâu đó, rằng một tiếng tằng hắng của một người ở châu Á có thể gây nên một cơn bảo ở rừng châu Phi, ý chỉ về sự tương tác lẫn nhau trong thiên nhiên. Về tính nhân quả tức thời. Năm 1979, tôi ra trường và được điều về dạy tại trường PTTH Pleiku, trước đây là trường Minh Đức, một trường tư của nhà thờ. Giáo viên trong trường gồm các "thầy cũ" trước 75, giáo viên từ miền Bắc vào "tăng viện" chúng tôi gọi là "giáo viên bắc kỳ", và chúng tôi, những thầy cô giáo trẻ mới ra trường một vài năm. Giữa học kỳ 2, nhà trường có tổ chức thao giảng để chọn giáo viên giỏi. Tổ Lý Hoá Sinh có một cô giáo bắc kỳ dạy hoá lên thao giảng cho cả hội đồng dự giờ, tôi đã quên mất tên cô này, nhưng tôi nhớ là, chồng cô là trưởng ban thi đua của tỉnh Gialai - Kontum. Bài cô dạy là Nhôm (lớp 11). Sau khi ổn định lớp, các thầy cô đến dự ngồi phía sau học sinh, cô giáo dẫn nhập vào bài mới bằng phép "lung", cô đặt câu hỏi : trong nhà các em thường thì đồ đạc được làm bằng gì? Học sinh lào xào, thưa cô, làm bằng gổ, thưa cô làm bằng nhựa ạ. Chắc chắn chúng thừa biết là chúng sẽ học bài nhôm, nhưng chúng phá cô chơi. Lào xào... Xuỵt, giáo viên chủ nhiệm là thầy Ảnh đứng lên trừng mắt, một cánh tay đưa lên, dạ thưa cô, làm bằng nhôm ạ. Đúng rồi, em ngồi xuống. Đây là một thanh nhôm(vừa nói cô giáo vừa rút trong túi ra một sợi dây điện bằng nhôm đã gọt vỏ).Hôm nay chúng ta học bài nhôm. Tôi nhớ là cô giáo có cho làm thí nghiệm tại lớp về hiện tượng gọi là nhôm mọc lông tơ, sau đó cô ghi phương trình phản ứng lên bảng và bảo học sinh về xem sách giáo khoa để hiểu cơ chế phản ứng. Giờ dạy trôi qua, tôi nín cười đến gần vở bụng ... Họp cho điểm, đánh giá giờ dạy. Các thầy lưu dung không có ý kiến, tôi, ngựa non háu đá, đứng lên, "bây giờ thì tôi tin chuyện "mưa phùn", "mông cổ " là có thật", cả hội đồng cười ầm lên (có cô giáo dạy bài mưa phùn bê ngay một thau nước lên lớp, ngậm nước phun ướt cả học sinh rồi "lung", các em biết đây giống như hiện tượng gì trong thiên nhiên? Mưa, thưa cô, mưa. Giỏi, hôm nay ta học bài Mưa phùn. Cô giáo dạy địa lý bài Mông Cổ, bèn quay lưng lại học trò, chỉ vào phía dưới của cô và hỏi, cái gì đây? Cái mông, thưa cô, mông ạ. Đúng, quay mặt lại, chỉ vào phía trên của cô và hỏi, cái gì đây? Cổ, thưa cô, cổ ạ. Giỏi, vậy hôm nay chúng ta học bài Mông Cổ. Còn chuyện tả cái mền nữa...). Thầy Tri (nghe đâu trước 75 thầy là giám học trường Minh Đức) đứng lên bênh vực, nào là bài dạy gắn liền với thực tế, nào là phát triển trí lực học sinh bằng cách cho về nhà nghiên cứu cơ chế phản ứng hoá học...Hồi đó tôi ghét ông này lắm, cho đến nhiều năm sau tôi vẫn khinh, ông uốn lưng quá dẻo, và quả thật sau này ông được vinh thăng đến chức hiệu trưởng gì gì đó, lại làm đơn kiện "tới trung ương" khi xét không đựơc vào đảng nữa . Các thầy khác, tôi nhớ là anh Nguyễn Đại Diệu thì bắt tay tôi thật chắc vì "quá đã""(anh Diệu dạy sinh vật nhưng khi dạy về thuyết tiến hoá, nguồn gốc loài người, anh bảo với học sinh, những điều này là sách nói, chứ không phải tôi, anh đã trở thành người thiên cổ). Giờ dạy của cô giáo"bắc kỳ" được đánh giá là giờ khá, nhưng sau đó cô làm đơn kiện đòi cho được giỏi, vì cô đã là giáo viên giỏi từ ngoài bắc vào! Nghe đâu ban giám hiệu cũng đồng ý. Từ đó tôi hiểu ra thế nào là "dạy giỏi". Cuối năm học, tôi "được" thuyên chuyển về trường An khê ở huyện xa...Tôi hoàn toàn không thắc mắc, chẳng để ý. Cho đến những năm sau này, khi không còn đi dạy, có thì giờ suy gẫm lại chuyện đời, tôi mới đặt câu hỏi, phải chăng cái tằng hắng đã tạo thành cơn bão. Xin cám ơn đời, nếu cho tôi trở lại thời gian đó, tôi sẽ không tằng hắng mà là ... nôn.

Thầy ...lúi

Năm 1978, năm học thứ ba trong trường ĐH, chúng tôi những học sinh miền nam, có ít nhất là 15 năm trên ghế nhà trường, nếu so sánh với một sinh viên vừa tốt nghiệp ở trường ĐHSP Vinh thì chúng tôi có thời gian học "lâu" hơn, vì ngoài Bắc vào thời đó phổ thông trung học chỉ học 10 năm, cộng thêm 4 năm ĐH nữa vị chi 14 năm. Tôi dài dòng một chút vì chuyện này có liên quan đến một vị thầy ... lúi mà tôi đã bị học vài giờ. Chuyện là năm đó chúng tôi học môn số học, hình như trong khoa toán lúc bấy giờ không có thầy chuyên dạy về môn này, thầy Hà kiêm luôn và có một vị "thầy mới" vào giúp hướng dẫn giải bài tập, tôi nhớ không nhầm thì thầy này tên Nhã. Vừa mới tốt nghiệp trường ĐHSP Vinh. Giờ đầu tiên vô lớp, vị này đã làm chúng tôi cay mắt ngay, ông đi một mạch đến bục giảng, đứng nhìn chúng tôi một vòng rồi mới ngoắt tay cho chúng tôi ngồi. (những vị thầy khác, thường thì vừa vào lớp đã ngoắt tay cho chúng tôi ngồi rồi). Ông lật phần bài tập và hỏi ai giải được, tôi còn nhớ, hôm đó Hùng đen lên bảng, cậu này trước 75 đã học trường Phú Thọ một năm, Hùng có thói quen là khi giải bài chẳng bao giờ giải thích, chỉ ghi, thỉnh thoảng quay lại hỏi bạn bè hiểu chưa, thế thôi. Hôm đó, thay vì quay xuống lớp, cậu này quay lên thầy mới này mà hỏi hiểu chưa... Giờ sau, hình như có một bài tập rất khó, trong lớp chỉ có Đinh Ngọc Niệm giải ra, tôi nhớ, khi giải ra bài tập này Niệm vô cư xá kêu tôi qua nhà nó để giải cho tôi xem. Cũng thầy Nhã yêu cầu ai giải được lên bảng, lần này chẳng có ai, 5 - 10 phút trôi qua, cái thằng Niệm trời đánh mới chịu lên bảng, hắn giải rất rõ ràng, thấu đáo và không biết hắn có chút thách thức trong đó hay không! Tôi không còn nhớ rõ ai ( dường như Ngô Tùng Linh) đã nêu vấn đề, số phần tử của tập hợp rỗng, số phần tử của tập các tập rỗng, và từ vấn đề căn bản này tôi đã nhận ra thật là thầy... lúi. Chuỵên xảy ra đã hơn 40 năm rồi, hồi đó tôi cũng chẳng để tâm. Ra trường đi dạy hai mươi mấy năm tôi coi đó là chuyện vui thời sinh viên, nhưng bây giờ, hết đi dạy toán, tôi thấy đó lại là chuyện không nhỏ...

Nhớ về quý thầy ...

Thầy tôi mến nhất thời đại học là thầy Hà đại số, tôi học đại số với thầy 2 năm, và một thời gian thầy hướng dẫn khoá luận cho tôi. Dường như thầy luôn luôn có nỗi buồn trong lòng không tỏ được, thầy "kỷ" lắm, đến giờ giải bài tập, bọn chúng tôi lên bảng, bao giờ thầy cũng hỏi đi hỏi lại, hồi đầu tôi rất bực mình, nhưng sau một thời gian tôi mới hiểu ra rằng, thầy sợ chúng tôi "ẩu", và thực là bọn tôi nhiều khi rất ẩu, mơ mơ hồ hồ và kết luận... Tôi viết khoá luận khá kỷ, trình thầy, thầy bảo, viết lại cho mọi sinh viên năm 1 đọc hiểu! Thực tình là thầy muốn tôi nắm kiến thức căn bản cho kỷ. Khi viết lại , tôi đã phát hiện ra "lỗi khó sửa", rằng chúng tôi ba thằng (Phú, Danh và tôi) đã sai từ đầu...nhưng đành.. chơi luôn. Khoá luận của chúng tôi không có giá trị khoa học bao nhiêu, nhưng tôi học được ở thầy rất nhiều về tính cẩn thận trong khoa học. Bài giảng của thầy thường khó hiểu (có môn toán nào mà dễ hiểu đâu!), nhưng cuối mỗi chương mới thấy công phu của thầy sâu sắc như thế nào !

Trước ngày ra đi, rất may có gặp được thầy ...

Thầy giáo tôi thích nhất trong thời học ... đại là thầy Tuyến, dạy bọn tôi môn đại số đồng điều, dạy bọn tôi vì trong lớp chỉ có một số thích và theo nổi môn này thôi. Thầy có viết một bài báo trên tạp chí toán học thời đó, tôi nhớ không nhầm thì bài báo của thầy đề cập đến một cấu trúc đại số gọi là tựa môđun. Nhóm chúng tôi (Phú, Danh và tôi) thời đó đứa nào cũng thuộc lòng bài báo đó vì phải căn cứ vào đó để làm khoá luận. Thầy không dạy nhiều, và tôi có cảm tưởng là thầy cũng không "siêu" về đại số đồng điều, nhưng thầy đã làm tôi thích, rất thích môn này. Những kết quả chúng tôi "ngâm cứu" là không có giá trị, nhưng chúng tôi biết thế nào là nghiên cứu khoa học. Rất tiếc là tôi đã không giữ nỗi lòng đam mê. Ôi giòng đời...

Thầy giáo tôi phục nhất là thầy Đoàn Quỳnh, tôi được học với thầy môn tôpô đại số, thực tình tôi cũng chẳng hiểu được bao nhiêu qua các bài giảng của thầy, nhưng tôi thấy ở thầy một đại dương kiến thức, thầy dạy về tôpô (môn học đại đa số dân toán đều sợ) mà tôi có cảm tưởng như là tôi đang dạy cộng trừ nhân chia cho học sinh cấp một. Lớp chuyên đề đó tôi nhớ là cuối cùng chỉ còn Nguyễn Thái Hưng và tôi trụ nỗi, nhưng chỉ có Hưng là còn luyến lưu 2 bài toán mà thầy Quỳnh để lại...

Tìm trong blog