Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Tết chừ


Rào trước: Đây là chuyện tết của nhà tui bây chừ, rất riêng...không dám bàn thiên hạ sự ở đất kỳ hoa này vì... không muốn nghe...chửi.
Trước hết là chuẩn bị tiền, không phải để mua sắm tết mà để gởi về cho ông bà cụ thêm tí đỉnh cho tuổi già ông bà thêm vui trong mấy ngày tết vắng bóng thằng con lãng tử mấy chục năm nay ... Cũng may là Cù lần tui có bà vợ thảo, nên khoản này không cần dấu diếm. Không dấu diếm nên cả hai vợ chồng phải ngưng lại vài khoản chi tiêu, gọi là tiết kiệm. Cũng may là nhờ trời thương, nhà làm ăn còn có đồng ra đồng vô, chứ trong thời kinh tế khó khăn ni, ở Mỹ cũng đành ngậm ngùi thương nhớ, thôi thì cứ rán, được lúc nào tốt lúc đó, cho thì tốt hơn nhận...
Tết bên ni, tức là tết Việt ở Mỹ, thường đến sớm, có khi sớm hơn cả hai tuần, không phải là do lịch âm ở Mỹ khác với lịch âm ở Việt (tui nhớ có năm Việt Nam ăn tết trước Tàu cả tháng, các học giả giải thích đủ lý do), mà vì ở đây có rất nhiều tổ chức cộng đồng người Việt, tổ chức nào cũng tổ chức tết: hội chợ tết Việt, tết về nguồn, du xuân... hằm bà lằng xá cấu. Nên phải chia nhau ra, anh trước anh sau, chắc là có bắt thăm thỏa thuận.
Dù trước hay sau thì hội chợ tết vẫn na ná như nhau: khai mạc, dựng nêu, thi hoa hậu phường, trai thanh gái lịch, trẻ em cháu Lạc con Hồng, múa lân, biểu diễn võ thuật, các món ăn Việt, mời các ca sĩ về hát và hét để các ông bà sồn sồn lên nhảy gọi là dạ vũ...Người tham dự một trăm phần trăm là người Việt. Bầu xô vụ này thu cũng khá, nhưng thường nghe là để ủng hộ chỗ này chỗ nọ, xây dựng đâu đó... Người Việt muôn năm, ở đâu cũng vô tư, tất cả cho cộng đồng...
Đến ngày mồng một không khí tết chỉ thấy ở khu chợ Việt qua các đám múa lân. Cảnh sát đứng xa xa giữ trật tự cho đoàn lân biểu diễn. Thường thì chỉ trong buổi sáng là hết. Tui may mắn mần việc sát nhà hàng Tàu, ông chủ người Tàu chợ lớn, nên tết nào cũng hưởng xái coi múa lân và biểu diễn võ tàu ... chùa! Nói như vậy có nghĩa là tết tui cũng đi làm, tất nhiên rồi! Không đi mần thì coi chừng mất việc. Tết là tết của chú, chẳng là cái đinh gì đối với tui mũi lõ cả! ừ thì tui thấy cũng hay hay, như chú đi coi lễ hội của các dân tộc thiểu số bên quê chú!
Bác Ba hỏi tui đã có mai chưng tết chưa, mai bên ni thì loạn, chỉ có điều hơi bị cao giá, mà đa số là mai chậu, mai bonsai, ở hội chợ người ta đem rao bán cũng nhiều. Nhưng chưa thấy cành mai như ở quê tui.
Mạ tui gọi điện hỏi, nhà con có nấu bánh chưng không? Dạ chỉ cần bốc phôn lên gọi một tám trăm bánh chưng là tha hồ đặt: bánh chưng, bánh tét, bánh ít trắng, bánh ít lá gai. .. Năm ngoái nhà tui đặt một trăm bánh ít, mà ăn cả năm không hết! gọi là lá gai cho sang! Chơ kiếm mô ra lá gai thiệt, tất phải dùng màu rồi! Bánh chưng thì đựng trong hộp giấy chuông mèn sắc cạnh, trong bọc giấy nhôm, buộc bằng dây plastic, trong cùng mới áo một lớp lá chuối, tôi không biết có nên đặt tên lại cho loại bánh này không!
Có cúng giao thừa không cậu ? Cháu tui  chát hỏi vô tư. Tui chế bình trà ngồi một minh, con cái ngày mai đi học phải ngủ sớm, vợ rán ngồi với tui một chặp rồi buông, có chi khác mô mà chờ, đêm mô anh cũng thức quá nửa đêm mà!
Dù sao đi nữa khi tết đến, tôi vẫn thấy cái gì đó khang khác, điều gì đó mới mẻ lan tỏa trong tôi, khiến tôi yêu đời hơn, cù lần hơn. Tôi muốn truyền điều đó đến con cái của mình dù tôi đang ở trên đất Mỹ. ... Tập quán Việt  đã ở trong gen của tôi, sẽ được di truyền ...
Chúc quý blog-hữu năm mới vạn sự như ý.

1 nhận xét:

Papillon nói...

Cái giá phải trả cho sự thiếu hụt tập quán phong tục, cũng như tinh thần con dân Việt mình trong những giờ khắc thiêng liêng này cũng khá cao và khá nặng nề đấy thầy nhỉ?
Nhưng may là xuân vẫn còn trong tâm hồn, trong đầu óc, cho dù vẫn thoáng một chút ngậm ngùi chốn quê xưa...
Chúc thầy và gia quyến năm mới an lành nhé. Tết này nhà mình vẫn nấu bánh chưng ở sân sau đấy, chắc thầy vẫn còn nhớ. Ăn thì ít nhưng nấu để cho nó "được di truyền" như lời thầy nói...

Tìm trong blog