Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Cây ghi ta đầu tiên

Tôi học nhạc với thầy Vĩnh Tuấn, nói cho oai vậy chứ thực ra hồi đó trong trường Nguyễn Tri Phương Huế, nhạc là một môn học, tuần một giờ, từ lớp đệ thất đến năm đệ ngũ. Thầy Tuấn chẳng bao giờ dạy, đến giờ là thầy giao sách cho lớp trưởng Ngô Chỉnh lên bảng chép cho bọn tôi chép theo, còn thầy thì chỉ ngồi trên bàn giáo sư. Lớp tôi hồi đó có Vĩnh Hiền, Lê Công Trình theo học trường quốc gia âm nhạc, thành thử mỗi lần thầy kiểm tra là chúng tôi chỉ việc chép bài của hai tay này. Nhưng cũng có lúc thầy Tuấn nỗi hứng lên, gọi chúng tôi từng đứa lên bảng bắt xướng âm, rồi bắt chúng tôi viết một đoạn nhạc gồm năm bảy ô nhịp, âm giai đô trưởng! Chúng tôi chỉ có chết, thầy cứ thế mà bắt chúng tôi xòe tay ra để thầy gõ! Hồi đó tôi ngán môn này lắm. Nhưng ít năm sau khi tôi bắt đầu thích nhạc tôi mới biết ơn thầy. Năm 1971 tôi về Quảng Trị, học cùng lớp tôi có Lê Phương, ông này cũng tập tọe chơi nhạc, Phương chỉ tôi thổi sáo, chúng tôi tự tập với nhau qua sách dạy thổi sáo của Tô Kiều Ngân và Nguyễn Đình Nghĩa, chẳng có thầy, không có cát-xét, CD...Phương cũng bắt đầu tập đàn ghi ta. Với tôi tập sáo thì dễ vì ... dễ mua cây sáo. Nhưng cây đàn ghi ta với tôi lúc đó là cả một ước mơ. Rồi chiến tranh, rồi chạy loạn. Cho đến cuối năm lớp 10, sau không biết bao nhiêu lần xin xỏ của tôi, không biết bao nhiêu lần hứa cho của mẹ tôi, ba tôi mới chở tôi qua phố Đà Nẵng để tậu về một cây ghi ta thùng. Tôi và Nguyễn Trường Thành, Nguyễn Văn Phước cùng mê ghi ta, chúng tôi học ghi ta qua sách của Nam Lộc và học lóm của nhau, lớp tôi hồi đó có Lợi chơi ghi ta hay lắm, nhưng chúng tôi không thân với Lợi vì cậu này vốn dân Pháp văn của 9/7. Bọn chúng tôi phục thầy Hộ lý hóa sát đất về tài đệm đàn của thầy, nhất là điệu paso của thầy chơi đệm cho bài nối vòng tay lớn và bài gì tôi quên tên nhưng bắt đầu bằng ... người đã đi đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu.. Tôi mê nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, nhạc tình của Trịnh Công Sơn từ dạo đó. Trường Thành có tài chép nhạc, hắn chép nhạc đẹp hơn in. Chúng tôi thường dùng vỏ hộp diêm cắt năm răng cưa để kẻ dòng, tôi thường không kẻ thẳng, những dòng nhạc chép bay bướm trên giấy pờ luya hồng... Ngô Dzu thì gò thùng làm bộ gõ và tập chơi mandolin, rất tiếc hồi đó chúng tôi không có đàn anh nên chỉ mò mò mẫm mẫm với nhau, band chỉ ở trong mơ. Cây ghita của tôi sau đó đã biết in hình cô gái tóc dài ngồi ôm tảng đá buồn...(phác họa của tôi về Trần Thi Thảo, Thảo A2) và lưu lạc nơi nào tôi không rõ khi tôi vào đại học... ....

Không có nhận xét nào:

Tìm trong blog