Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Nguyễn Hoàng và Niềm mong đợi

Tôi được thầy Đỗ Tư Nhơn "phát hiện" trong một giờ làm văn lớp 9, bài văn nghị luận "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Thầy yêu cầu lập dàn bài, nhưng cả lớp đều làm hoàn chỉnh bài văn, có bạn chép từ sách mẫu ra. Tôi lo lắng nhìn thầy tự hỏi hay là mình sai, thầy xuống bàn kiểm tra vài cuốn vở, rồi như nhận ra trong mắt tôi có điều muốn nói, thầy lật vở của tôi ra coi. Thầy cầm tập tôi lên bàn, đọc rồi gọi tôi lên bục đọc cho cả lớp nghe. Thầy bảo đây chính mới là yêu cầu của thầy... Tôi sướng lắm và "mê" thầy từ đó. Tết Nhâm Tý (1972), nhà trường tổ chức ra báo tết, thầy Nhơn động viên học trò viết bài tham gia. Hồi đó tôi viết "khá" lắm, bài làm văn từ lớp đệ thất đến đệ ngũ của tôi đều được quý thầy khen và được đọc cho cả lớp nghe, có bài văn năm lớp đệ ngũ tả cảnh mùa thu ở Huế, thầy Nguyễn Diệm đã đọc cho cả khối nghe. Tôi viết "niềm mong đợi" sau khi đã làm dàn bài khá kỷ. Báo "Hội mùa xuân" phát hành và truyện ngắn của tôi được giải ba, sau giải nhì của chị Quỳnh, Người khách trong ta. Tối nhận giải, lòng tôi tràn đầy hân hoan, dường như thầy Phán đã trả tiền xích lô chở tôi và phần thưởng về nhà. "Hội mùa xuân" dường như thầy Nhơn còn lưu giữ, tôi mong có một lần đọc lại "niềm mong đợi", tác phẩm của một thời học trò thật đẹp, của một cậu học sinh lớp chín tập tễnh viết văn... Sẽ có.

Không có nhận xét nào:

Tìm trong blog