Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Bài thơ đầu

Hồi năm 1971, tôi về học lớp 9/4 trường Nguyễn Hoàng, bắt đầu tập tểnh làm thơ. Lớp tôi dạo đó đã có vài thi sĩ thứ thiệt: Đổ Huy Sanh, Lê Thọ Tuyển...Huy Sanh thì: Lầu trang cách biệt khung trời mộng, viện sách bềnh bồng ngọn gió đông... Thọ Tuyển thì: Chờ em lên với nghe nào, nhớ nghe đứng đợi má đào đừng phai...Thơ của hai vị này đã từng được đăng trên nhiều tờ báo. Tôi ngưỡng mộ ghê lắm và cũng tập làm thơ. Bài thơ đầu tôi không còn nhớ, nhưng chỉ nhớ là tả về mùa xuân, có câu: ngẩn ngơ cánh bướm vân vi. Ông tôi, Trần Tư Bổng (ông là em của bà nội) nhà giáo về hưu, tinh thông kim cổ, nghe nói bọn tôi làm thơ (bọn tôi là tôi và Trần Xuân Lâm), muốn tôi đọc cho ông nghe. Nghe xong, ông hỏi, cánh bướm vân vi nghĩa là sao? Vân vi, chữ này không rõ nghĩa. Ông bảo thơ không nên ép vần, vần là phải tự nhiên. Lúc đó tôi nghĩ ông quá cổ điển, thơ thì đâu cần rõ nghĩa! Nhưng sau này càng lớn tôi càng thấm. Tôi nhớ tôi có đâu chừng chục bài thơ, Lâm cũng vậy. Thế là chúng tôi quyết định xuất bản! Việc đầu tiên là in ấn. Tôi năn nỉ xin ba tôi chục tờ stencil (ba tôi làm văn phòng, nên thứ này không thiếu), tôi đóng một cái khung gổ nhỏ, xé cái áo trắng đã củ, để làm một cái khung in (chiêu này tôi bắt chước Đổ Huy Sanh) không có máy đánh chữ, tôi dùng bút lá tre viết lên tờ stencil. Không có mực in, tôi và Lâm trưa nào cũng quần xà lỏn lên tòa hành chánh tỉnh Quảng Trị, vào lục trong các thùng rác ở văn phòng để kiếm những ông mực quay roneo đã vứt bỏ. Lên khung in thử tờ thứ nhất, lòng biết bao sung sướng khi thấy bài thơ của mình được "in ấn"... Chúng tôi đang sống trong mơ và thực như thế thì chiến tranh... Mùa hè đỏ lửa. Năm 75, ba tôi và tôi đào tìm trong đống gạch vụn đổ nát của ngôi nhà cũ, hầu xem còn gì có thể dùng được, hình như tôi thấy ống mực quay ronéo chưa dùng hết ngày nào còn tươi màu đen...

Không có nhận xét nào:

Tìm trong blog