Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Đọc lại...

Bạn cùng lớp ngày đó, bây giờ...

LỚP TOÁN ĐHSP HUẾ (1975-1979)

Dường như có một phép co để co không gian thành một khoảng mở, và thực có trong mỗi người một phép co để co thời gian quá khứ trở về hiện tại. Ba mươi năm... hay ngày hôm qua?

Có những sự việc tưởng rằng đã quên, đã mất nhưng có một lúc trong cuộc đời, chúng hiện lại rất rõ. Không phải để chỉ bùi ngùi, không chỉ để luyến tiếc nhưng phải chăng chúng đã chuyển hoá thành năng lượng trong cuộc đời chúng ta?

Xin một lúc để trở lại với bạn cùng lớp tôi. Ngày đó, bây giờ...

Đây chỉ là hồi ức rất riêng của một thành viên "lớp tôi - ngày đó" . Coi như là một phép co tạm thời, phép co "lỗi" vì ký ức nhiều khi mù mờ, có thể không nhớ hết, những bạn tôi không nhắc ở đây có lẻ đã chìm vào quá sâu trong vùng nhớ. Sẽ có một lúc trong cuộc đời tôi sẽ nhớ ra. Xin hãy

đọc cho nhau nghe trong hiếm hoi những lần gặp gỡ. Chỉ để ... cười cho đỡ nhớ mà thôi.

Thái Huy Bích: ăn chung mâm với anh trong suốt ba năm. Vẫn coi anh như người anh cả. Lúc chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu (1987) mình có thư cho anh. Anh biên thư trả lời dài đến bốn năm trang. Lần anh vào công tác VT, mình bỏ "cua" đón anh nhưng không gặp được. Trước khi rời quê hương mình có điện thoại báo cho anh. Anh có còn đương chức PCT Huyện Nam Đàn nữa không?

Hoàng Văn Ngô: Nhớ anh hôm đó mang đâu về một can nước mắm ngon, cứ tối tối rót cho mình một ngụm, uống cho đở rét. Nhớ anh khuya bí mật đánh thức mình dậy đi ăn cháo lòng. Mình sợ anh phê bình không dám nhảy tường cư xá, ai ngờ anh nhảy trước! ăn chung mâm vói anh ba năm, mặc áo quần, mang dép bộ đội của anh. Ôi cái thời đói khổ, sao mà đầm ấm thế.

Nguyễn Phát: Học chung với Phát từ thời phổ thông. Anh chàng này lang ben đầy người và bơi rất giỏi, lại có tài chích lể, cạo gió. Không biết Phát còn nhớ trận đánh lộn chí tử với Trần Thành tại nông trường Tân Lâm mà có lẻ đến bây giờ trong lớp ít người biết. Mùa hè 81-82 mình và Nghiêm có ghé nhà Phát ở quê nhưng không gặp.

Trần Thành: Thủ môn đội bóng đá của khoa. Nóng nảy, bộc trực. Kỷ niệm đáng nhớ với Thành là hôm đọc kết quả thi môn xác suất, mình chắc mẫm là thiếu điểm vì chẳng thích môn này. Ai ngờ lại được điểm 5, còn Thành thì 3 điểm. Nghi có sự nhầm lẫn, nên hai thằng lên gặp thư ký khoa(Lê văn Thìn) xin coi lại bài. Kết quả là mình thì vẫn cười, còn Thành thì mếu!. Đời người ngắn ngủi, mày đi trước bọn tau rồi.

Trần Ngọc An: Nhớ những ngày thực tập ở Nguyễn Huệ đêm nào về cũng nhờ mình giải toán, thảo luận cách dạy! Gặp lại An ở Đà Nẵng trong màu áo bộ đội. Lần gặp mới đây An là PHT trường THBC ở Quảng Trị.

Thiều Quang Anh: Mập mạp và vô tư. Vẫn còn nhớ món mắm trứng cá chuồn, hắn đem từ nhà ra cư xá. Dường như nhà hắn có tàu đánh cá. Nghe đâu hắn đã nằm dưới lòng biển sâu. Thương thật.

Hà Thúc Công: Bộ râu cụ non ngày xưa, giờ thành râu ông cụ rồi. Cha này hồi đó ít nói nhưng rất tình cảm. Lần cuối gặp Công, hình như tại quán cà phê nhà Công. Năm 2000, buổi trưa, mình có tìm lên quán cũ, nhưng quán đóng.

Trần Hoà: Thư sinh, trắng trẻo, nốt ruồi duyên không biết làm bao nhiêu cô đau khổ? Nói năng nhẹ nhàng, rất Huế. Mình nhớ Hoà rất tháo vát trong việc an sinh của lớp lúc đi lao động xa.

Hoàng Đức Hải: Nhớ rất rõ giọng teno của nó vói bài hát "Ta đi trong ánh sao vàng rừng cờ tung bay". Thế mà nó đã đi rồi.

Nguyễn Đình Quang: Đẹp trai, cao như tây. Học chung với mình năm 12 Phan Chu Trinh Đà Nẵng. Nhiều lần bán gạo và công nghệ phẩm rũ nhau đi uống cà phê quốc doanh, bị anh Bích dũa, cười huề. Nghe đâu qua Mỹ nhưng không thích nên về lại Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Quang: Có một lần Quang kêu mình về nhà nó ở Vĩ Dạ để uống nước trà. Mình còn nhớ cái cảm giác nhẹ nhàng khi ngồi trong gian nhà tranh nhỏ, tỉnh lặng. Nhắp trà quốc doanh trong bộ bình trà bằng gổ, nhỏ xíu. Hồi đó mình đã thấy có một điều gì đó rẩt thanh sạch trong tâm hồn của Quang. Năm 80 có ghé Sơn Tịnh thăm Quang. Hắn vừa dạy vừa sửa đông hồ.Quang kể mình nghe có lần học sinh bê lên đôi giày há mỏ hỏi thầy có sửa giúp được không! Không biết bây giờ Quang nơi đâu?

Nguyễn Thái Hưng: Theo mình, Hưng sún là thằng giỏi môn giải tích nhất lớp, nó mê cả đại số đồng điều lẫn tôpô đại số. Nhớ dạo đó thầy Đoàn Quỳnh vào giảng chuyên đề tôpô.Trong lớp chỉ có Hưng với mình theo và chỉ có Hưng là cố giải hai bài toán thầy để lại trước khi ra Hà Nội.

Năm 88, gặp em gái Hưng ở Đồng Nai. Nghe đâu Hưng bị tai nạn không thể đi lại được, hiện ở Sài Gòn.

Hồ Sĩ Khoa: Nhà hùng biện của lớp. Mỗi lần cậu này phát biểu là phải tránh xa vì sợ .. nước bọt văng trúng mặt. Dường như đang là chủ cây xăng lớn tại Sài Gòn.

Hồ Phú: Non bợt, đến nổi đi thực tập, đến thăm nhà phụ huynh, nguời ta lầm tưởnglà bạn của con mình! Giỏi môn đại số, cùng Dương Cao Danh và minh làm khoá luận đại số "tựa môđun" !

Dương Cao Danh: Không biết giọng của anh có còn khào khào nữa không? Rất giỏi toán sơ cấp, đi bộ đội về nhưng học rất tốt. Học chung với mình từ năm thứ ba.

Võ An Bình: Thằng bạn già. Tưng tửng, ngạc nhiên mỗi lần thấy kết quả thi của mình đạt trên trung bình! Được về dạy ở quê là tuyệt rồi Bình ơi.Thế nào tau cũng tìm mi khi về quê.

Nguyễn Thị Việt Nga: Múa "Bài ca hy vọng" chẳng khác diễn viên chuyên nghiệp.Năm 86 có ghé trường Nga dạy, vẫn nhiệt tình với bạn bè như thủa sinh viên.

Hoàng Ngọc Vĩnh: "Chị Vĩnh" ai quên nỗi "chị". Gặp lại anh năm 2001 tại Vũng Tàu, mình quá ngạc nhiên. Vĩnh già đi nhiều, dương như hơi bị "đời hành". Hai đứa ngủ chung một đêm, kể đủ thứ chuyện. Mong rằng anh mau đạt đươc ước nguyện.

Nguyễn Văn Quốc: Có điện thoại cho Quốc lúc mình còn ở Vũng Tàu. Vẫn nhớ anh chàng đẹp trai, tán gái giỏi này với những bài thơ rất có hồn.

Phạm Sỹ: "arctgx". Nỗ lực dữ dội, "keng" thẳng luôn luôn. Có còn giữ cuốn nhật ký ghi lại "hành vi ...vi hành" của phòng A6 không?

Nguyễn Nhẫn: Lạnh lùng nhưng rất tình cảm và thẳng tính. Có còn nhớ lần cạy tủ của Phạm Sỹ không? Nhai hết mấy tảng đường đen của "arctgx". Gặp lại Sỹ nhớ trả giùm tau hai cục nghe.

Trương Đình Châu: Học chung từ năm thứ ba. Cao, đen rất biết điều. Bặt tin từ lúc ra trường.

Nguyễn Hữu Đôn: Cận nặng, nhưng không mang kính. Nhớ lần làm bài kiểm của thầy Hà, cậu cuống lên lấy bài mình chép vì không đọc kịp trên bảng! Gặp Đôn và ngủ lại với nó một đêm ở Kon Tum.

Nguyễn Văn Hải: Học chung năm thứ tư. Mê bóng đá hơn toán. Có còn hàm râu quai nón?

Hồ NgọcThắng: Cây violon xưa có còn? Nếu có gặp Hồ Cẩm Hà cho mình gởi lời thăm.

Hà Thúc Dũng: Nhớ Dũng với mấy cái mô hinh bằng những tấm phim phổi ngâm nước vôi, nhớ luôn cái tài đóng sách. Năm 86 mình có ghé trường Dũng và Quỳnh Tiên nhưng không gặp Dũng. Đọc bài Phò viết, biết Dũng va Quỳnh Tiên có con lớn và thành tài, rất mừng.

Mai thị Quỳnh Tiên: Chỉ có hai người bạn trong lớp biết mình hay cúp cua là Niệm và Quỳnh Tiên. Cô bé này ngồi ngay trước mặt mình, lúc muốn chuồn là mình khều chân vào ghế nàng, rồi chuyền vở lên nhờ chép hộ. Năm thứ hai đi lao đọng Tân Lâm, tội nghệp "hoa lạc giữa rừng gươm". Bọn mình treo cho nàng chiếc võng bắc ngang qua giường của các chàng vệ sĩ! Mới đó mà đã là bà nội, bà ngoại rồi. Mau thật...

Hoàng Công Thạnh: Tay ghita của lớp, không biết giọng hát của Thạnh bây giờ còn quyến rũ như thủa nào nữa không?

Võ Văn Thành: Xướng âm tuyệt vời, cây ghita cổ điển thứ thiệt. Điểm bài thi môn LS Đảng cao nhất lớp! Gặp Thành lần cuối ở Kontum, vẫn chải chuốt, vẫn rất điệu và rất Huế. Năm 88 mình có đến tìm Thành tại BTVH Đồng Nai nhưng không gặp.

Trương Anh: Chữ viết xấu lắm, nhưng giỏi môn giải tích. Hơi giống người dân tộc. Sau này nghe đâu là PCT huyện DakNong ở BMT, thật hay. Có lần Nghiêm gọi mình vào SG chơi vì có Trương Anh xuống phố, nhưng hôm đó trời mưa quá lớn, tiếc thật.

Lê Chí Vy: Chữ xiên rất đẹp. Giọng Mỹ Lợi rất quyến rũ. Nghe đâu dạy ở BMT rất thành công.

Trần Đình Quyền: "Thần bút" chữ của Quyền tuyệt đẹp, nhất là chữ Gôtich. Ngày đó thường cùng mình làm bích báo của lớp.

Võ Quyền: Có còn những cú đập sấm sét nữa không? Những năm tháng ở Đakto có làm hao sức voi của tay bóng chuyền số 1 của trường ĐHSP dạo ấy?

Dương Văn Đức: Gạo số 1 của lớp. Mình nhớ Đức hồi đó dùng giấy kẻ ngang đến hai lần, lần đầu bằng bút chì, lần sau bằng bút mực, khổ thật. Năm 80 có ghé nhà Đức ở quê nhưng không gặp.

Phan Đạt: "Lão nông tri điền", mình nhớ đi lao động việc gì khó là có Đạt. Hiền khô. Không biết bây giờ ở đâu?

Ngô Tùng Linh: Chơi ghi ta tài tử, số một cầu lông, huấn luyện cho các chị thật tài. Năm 81 gặp Linh ở Đà Nẵng rất nhiệt tình với bạn bè.

Trương Ký: Bộ ba "Ký - Ninh - Nga",sau bữa ăn tối thường rũ mình ra bờ sông Hương đấu chuyện hoang. Tay Ký này có bàn tay rất khoẻ. Dạy ở BMT cùng với Thiên, không biết bây giờ ra sao.

Nguyễn Ninh: Bê rê đen, kaki vàng, phong cách hướng đạo sinh vẫn còn rất nét. Kỷ niệm với Ninh có nhiều. Nhớ nhất là lần đi Tân Lâm đi tắm đêm, chạy sứt móng chân! Nhớ những lần cắt dán băng rôn cho nhà trường, hai đứa đói bụng cùng ăn hồ dán!

Hoàng văn Thiên: "Ới chàng trai đó ơi.." Thiên múa nhuyển lắm, cùng đi thực tập với mình và An ở Nguyễn Huệ. Năm 2000 mình có gặp thân sinh của Thiên, kể chuyện về Thiên, ông bật khóc. Thiên qua đời rất sớm trong cơn sốt ác tính của vùng nước độc tây nguyên.

Nguyễn Văn Nhân: Trắng trẻo đẹp trai, rất "sữa" làm thơ rất có hồn, thẳng tính. Năm 2002 gặp lại Nhân ở Quảng Trị, vẫn gọi mình bằng anh. Phong thái như thời sinh viên, vui thật. Nhưng hôm đó có nhiều "bạn" nên không tâm sự về lớp cũ được. Sẽ có dịp gặp lại.

Nguyễn Hữu Thu: Ít nói, giỏi môn giải tích hàm, có lần thầy Tiếp phải mời Thu lên giải thích về cách giải của Thu một bài toán thi môn giải tích hàm.

Nguyễn Thuyết: Lùn, nhỏ nhưng rất chững chạc, hay đặt ngược vấn đề. Nhiều khi nêu lên những câu hỏi nhức đầu.

Lê Văn Hạp: Dường như Hạp là sinh viên miền nam được vô đoàn đầu tiên của lớp. Người nhỏ con, giọng nam cao the thé, rất chững chạc. Giỏi giải tích, tổ trưởng tổ 3. Gặp lại Hạp ở Huế sau gần 30 năm, nhưng không thấy hắn bị già. Có lẻ ít bị "đời hành". Nhận ra Hạp ngay trên tấm hình cán bộ khoa toán. Cũng trên tấm hình này mình nhận ra anh Nam, Trần Vui, Nguyễn Hoàng, riêng thầy Tuyến thì mình không nhận ra nổi, do bộ râu đã bạc của thầy. Ba mươi năm rồi còn gì!

Nguyễn Đình Dũng: Nhớ anh chàng này nửa cười nửa mếu lúc đi lao động chặt cây trong rừng Tân Lâm, vác không nổi. Anh nào cũng rớm nước mắt. Không biết bây giờ ở đâu?

Hà Hữu Long: Cũng thuộc loại vua giải tích. Hiền vô cùng, ở Huế mà chỉ biết độc con đường từ nhà đến trường.

Lê Hoành Phò: Năm 89 tình cờ mình thấy cuốn sổ tay toán học của Phò trên bàn học sinh và dường như báo Tiền Phong có viết bài về thầy giáo trẻ dạy giỏi Lê Hoành Phò. Đọc bài viết của Phò trên web,cảm động lắm, thẩn thờ đến mấy ngày. Chuyện 30 năm trước mà ngỡ như mới hôm qua.

Nguyễn văn Hùng: "Nằm trùm mền học là tốt nhất" mình nhớ mải phát biểu của Hùng trong "hội nghị" kinh nghiệm học toán của lớp. Dạng chữ viết của Hùng mình rất thích, nhưng ít người đọc nỗi!. Nghe đâu dạy ở Phú Mỹ, Bình Định.

Nguyễn Bá Lành: Vẫn nhớ Lành học chung với mình năm 1 và nửa năm thứ 2. Giờ nghe đâu làm phó xếp ga Huế.

Trần Bá Hùng: Dẽo miệng, trắng trẻo. Tán giỏi nhưng thỉnh thoảng cà lăm. Bặt tin từ lúc ra trường,

Tạ Văn Hùng: Chưa gặp lại Hùng được, mặc dù nói chuyện với anh "vuông" này hoài. Nằm chung giường với anh lang ben này mấy năm mà không bị lây kể cũng đại phúc. Hiện ở California.

Hồ Văn Minh: Gặp lại Minh sau hơn 30 năm. Phong cách vẫn như xưa, vẫn "nghĩa, rằng, là". Vẫn ôm hoài bảo phải làm được cái gì đó cho quê hương. Hai đứa nói chuyện xưa nhhắc bạn cũ gần thâu đêm.

Hoàng Đức Nghiêm: Hắn không còn là bạn, hắn đã trở thành người thân của gia đình mình. Gặp lại Nghiêm như gặp lại người bà con gần gủi. Dường như Nghiêm đã đạt đến một mức cao trong suy gẫm cuộc đời. Ôi thời gian đi về đâu? Mới đó mà 5 năm rồi!

Đinh Ngọc Niệm:Thằng bạn thân nhất thời ĐH. Nhiều lúc nhớ đến "mờ mờ nhân ảnh", quên cả hiện tại, lái xe lạc đường, vợ càu nhàu, con chế giễu! Lâu quá rồi không gặp được nhau. Sẽ có một ngày tìm lại góc bờ thành hai đứa cùng nhảy rào đi uống cà fhê, tìm lại gian nhà hai đứa cùng nhau giải toán và về Kế Võ ...

Đính ... chính

Thiều quang Anh và tôi

Sau khi gởi bài này cho các bạn trong lớp đọc, có bạn cho mình biết Thiều Quang Anh vẫn còn sống nhăn. Mình lên net và biết....

Thiều Quang Anh: Mình đã liên lạc với ông tướng này, không phải ở dưới hà bá, mà ở tại Miami, Florida, USA. Con cái thành đạt lớn hết, nhưng vợ còn trẻ đẹp. Gặp nhau nói chuyện một đêm, vẫn như xưa, vẫn tệch toạc, vẫn xuề xoà. Có điều rất lạ là Thiều Quang Anh còn nhớ rất tốt về toán.

chuyện vui: Năm 2001 tôi còn đi dạy ở trường PTTH bán công Nguyễn Trãi, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Có một anh chàng đến xin hợp đồng dạy toán, trình bằng cho ông hiệu trưởng, ghi năm tốt nghiệp là năm 1979, khoa toán lý ĐHSP Huế, Lộc (hiệu trưởng) biết ngay là bằng giả, vì làm gì có khoa toán lý trong trường ĐHSP Huế, nhưng bíết tôi tốt nghiệp năm 79, Lộc gọi tôi sang để nhận ... bạn. Ông "bạn" một phen mất cả hồn vía.

Không có nhận xét nào:

Tìm trong blog