Hình như tôi đã đọc được đâu đó, rằng một tiếng tằng hắng của một người ở châu Á có thể gây nên một cơn bảo ở rừng châu Phi, ý chỉ về sự tương tác lẫn nhau trong thiên nhiên. Về tính nhân quả tức thời.
Năm 1979, tôi ra trường và được điều về dạy tại trường PTTH Pleiku, trước đây là trường Minh Đức, một trường tư của nhà thờ. Giáo viên trong trường gồm các "thầy cũ" trước 75, giáo viên từ miền Bắc vào "tăng viện" chúng tôi gọi là "giáo viên bắc kỳ", và chúng tôi, những thầy cô giáo trẻ mới ra trường một vài năm. Giữa học kỳ 2, nhà trường có tổ chức thao giảng để chọn giáo viên giỏi. Tổ Lý Hoá Sinh có một cô giáo bắc kỳ dạy hoá lên thao giảng cho cả hội đồng dự giờ, tôi đã quên mất tên cô này, nhưng tôi nhớ là, chồng cô là trưởng ban thi đua của tỉnh Gialai - Kontum. Bài cô dạy là Nhôm (lớp 11). Sau khi ổn định lớp, các thầy cô đến dự ngồi phía sau học sinh, cô giáo dẫn nhập vào bài mới bằng phép "lung", cô đặt câu hỏi : trong nhà các em thường thì đồ đạc được làm bằng gì? Học sinh lào xào, thưa cô, làm bằng gổ, thưa cô làm bằng nhựa ạ. Chắc chắn chúng thừa biết là chúng sẽ học bài nhôm, nhưng chúng phá cô chơi. Lào xào... Xuỵt, giáo viên chủ nhiệm là thầy Ảnh đứng lên trừng mắt, một cánh tay đưa lên, dạ thưa cô, làm bằng nhôm ạ. Đúng rồi, em ngồi xuống. Đây là một thanh nhôm(vừa nói cô giáo vừa rút trong túi ra một sợi dây điện bằng nhôm đã gọt vỏ).Hôm nay chúng ta học bài nhôm. Tôi nhớ là cô giáo có cho làm thí nghiệm tại lớp về hiện tượng gọi là nhôm mọc lông tơ, sau đó cô ghi phương trình phản ứng lên bảng và bảo học sinh về xem sách giáo khoa để hiểu cơ chế phản ứng. Giờ dạy trôi qua, tôi nín cười đến gần vở bụng ... Họp cho điểm, đánh giá giờ dạy. Các thầy lưu dung không có ý kiến, tôi, ngựa non háu đá, đứng lên, "bây giờ thì tôi tin chuyện "mưa phùn", "mông cổ " là có thật", cả hội đồng cười ầm lên (có cô giáo dạy bài mưa phùn bê ngay một thau nước lên lớp, ngậm nước phun ướt cả học sinh rồi "lung", các em biết đây giống như hiện tượng gì trong thiên nhiên? Mưa, thưa cô, mưa. Giỏi, hôm nay ta học bài Mưa phùn. Cô giáo dạy địa lý bài Mông Cổ, bèn quay lưng lại học trò, chỉ vào phía dưới của cô và hỏi, cái gì đây? Cái mông, thưa cô, mông ạ. Đúng, quay mặt lại, chỉ vào phía trên của cô và hỏi, cái gì đây? Cổ, thưa cô, cổ ạ. Giỏi, vậy hôm nay chúng ta học bài Mông Cổ. Còn chuyện tả cái mền nữa...). Thầy Tri (nghe đâu trước 75 thầy là giám học trường Minh Đức) đứng lên bênh vực, nào là bài dạy gắn liền với thực tế, nào là phát triển trí lực học sinh bằng cách cho về nhà nghiên cứu cơ chế phản ứng hoá học...Hồi đó tôi ghét ông này lắm, cho đến nhiều năm sau tôi vẫn khinh, ông uốn lưng quá dẻo, và quả thật sau này ông được vinh thăng đến chức hiệu trưởng gì gì đó, lại làm đơn kiện "tới trung ương" khi xét không đựơc vào đảng nữa . Các thầy khác, tôi nhớ là anh Nguyễn Đại Diệu thì bắt tay tôi thật chắc vì "quá đã""(anh Diệu dạy sinh vật nhưng khi dạy về thuyết tiến hoá, nguồn gốc loài người, anh bảo với học sinh, những điều này là sách nói, chứ không phải tôi, anh đã trở thành người thiên cổ). Giờ dạy của cô giáo"bắc kỳ" được đánh giá là giờ khá, nhưng sau đó cô làm đơn kiện đòi cho được giỏi, vì cô đã là giáo viên giỏi từ ngoài bắc vào! Nghe đâu ban giám hiệu cũng đồng ý. Từ đó tôi hiểu ra thế nào là "dạy giỏi".
Cuối năm học, tôi "được" thuyên chuyển về trường An khê ở huyện xa...Tôi hoàn toàn không thắc mắc, chẳng để ý. Cho đến những năm sau này, khi không còn đi dạy, có thì giờ suy gẫm lại chuyện đời, tôi mới đặt câu hỏi, phải chăng cái tằng hắng đã tạo thành cơn bão. Xin cám ơn đời, nếu cho tôi trở lại thời gian đó, tôi sẽ không tằng hắng mà là ... nôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét